SỰ THẬT TRẦN TRỤI

1.Cả bọn 7 người ráo riết chuẩn bị cho chuyến tham quan Vườn Quốc gia Cát Tiên từ hai tuần trước. Tâm trạng ai nấy đều háo hức chờ đợi được khám phá một di chỉ văn hóa, thăm thú các thảm rừng nguyên sinh và nhất là được mục sở thị các loài động vật nơi đây.

Nhưng háo hức bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu. 20 g 15, cả bọn được xe ô tô đưa đi xem thú, cách khu nhà nghỉ chừng 10 km. Thú thật, trong thâm tâm ai cũng nghĩ rằng đấy là một bình nguyên rừng phong phú về chủng loài và đa dạng về mặt sinh học như những khu bảo tồn ở Nam Phi mà ti vi thường phát. Thế nhưng trái với những gì người ta mường tượng, nơi chúng tôi xem thú chỉ là những trảng cỏ thưa thớt bóng cây và không một tiếng chim kêu hay vượn hót.

Tuy vậy, ai cũng căng mắt dõi theo ánh đèn pha từ tay anh nhân viên kiểm lâm liên tục quét vào rừng. Và, thi thoảng theo ánh đèn ấy mới thấy từ xa hiện ra 1-2 đốm xanh mà nhân viên kiểm lâm cho là mắt nai hay mắt chồn(!). Họa hoằn lắm mới nhận ra một vài dáng nai mờ ảo lững thững nơi xa tít. Và… chấm hết!

Anh bạn đi cùng không giấu được nỗi thất vọng: Vậy mà gọi là xem thú sao?! Ngại ngùng, tôi phải ra dấu cho anh ngưng…phát biểu cảm tưởng vì sợ làm nhân viên kiểm lâm hướng dẫn phật lòng.

2. Sáng hôm sau, chúng tôi được đi tham quan Trung tâm cứu hộ linh trưởng Đảo Tiên, cách đó khoảng 15 phút đi xuồng. Thật bất ngờ khi được biết nơi đây đang có đến 6 tình nguyện viên người nước ngoài sang hỗ trợ trung tâm về chuyên môn và trực tiếp chăm sóc thú. Đáng trân trọng hơn, họ tình nguyện sang Việt Nam phục vụ không lương trong khoảng 1-2 năm với mọi chi tiêu đều từ tiền túi của mình.

Vậy mà họ tận tâm chăm sóc thú đến kinh ngạc. Lúc chúng tôi đến, đang có 3 nữ tình nguyện viên miệt mài cọ rửa chuồng trại còn sạch hơn cả nhà ở của mình. Và, khi một người trong nhóm chúng tôi rón rén đến gần chuồng vượn để quan sát thì liền bị nữ tình nguyện viên này yêu cầu rời khỏi đó ngay bằng một giọng Việt lơ lớ: Xin lỗi, không được đến gần vì làm vượn sợ!

3. Trưa cùng ngày, chúng tôi rời Cát Tiên và trên đường ra đã ghé lại một quán ăn gần đó để lót dạ trước khi trở về Sài Gòn. Vừa ngồi vào bàn chừng 2 phút, anh bạn đi cùng chợt ra hiệu, chỉ trỏ và hướng sự chú ý của mọi người về phía nhà bếp… Thật khủng khiếp, bên dưới gian bếp của quán ăn đang treo lủng lẳng một con voọc chà vá (có tên trong sách đỏ) vừa bị phanh thân mổ bụng toang hoác, trong khi mắt con vật vẫn trợn trừng như chưa thôi kinh ngạc vì sự man ác của loài người.

Bàng hoàng đến thẫn thờ!

Trên đường về, hình ảnh về con voọc cứ đeo đẳng mãi trong tâm trí tôi với những câu hỏi day dứt: Tại sao những cô gái nước ngoài kia lại yêu thương động vật hoang dã đến thế, trong khi chúng ta vẫn luôn săn tìm và tận diệt chúng để phục vụ cho nỗi thèm ăn của mình và ai đó? Bao giờ người dân mình mới nhận thức và hành động đúng mực để hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu? Làm sao để khái niệm “đưa trái đất về vườn nhà” gấn gũi với tất cả mọi người? Phải chăng ý thức về môi trường của dân ta kém hơn dân Tây?

Những câu hỏi ấy đến nay vẫn chưa có lời đáp…

Advertisement

6 bình luận

  1. Chẳng có gì bất ngờ đâu. Chuyện thường ngày ở xứ ta đó mà.
    Nói leo tí: Vườn Cát Tiên là nơi có rất nhiều người nước ngoài tình nguyện làm việc quên mình theo nghĩa đen của từ “quên mình”. Mình từng gặp những người nghiên cứu côn trùng đã treo mình lên cây ở giữa rừng trong những cái túi ngủ mấy ngày đêm để theo dõi một loài bướm hay loài sâu bọ, nhiều nhà nghiên cứu về các loài chim thiên di lặn lội cả tháng trời giữa rừng sâu… Mà họ có nghèo đâu. Họ làm việc như nô lệ bằng sức mạnh của tình yêu thiên nhiên. Dân mình nhiều người nhìn họ chỉ có thể kết luận bằng một chữ: Khùng!

  2. ngộ thiệt!

  3. Em rất nhiểu tâm trạng của anh & những người Việt còn biết quý trọng thiên nhiên. Số này không nhiều đâu anh ạ !

    Những bài học phổ thông của chúng ta hiện giờ vẫn là “Việt Nam với rừng vàng biển bạc, đất đai trù phú”. Nhưng thật sự rừng còn gì, biển còn gì & đất hiện nay ra sao…. tất cả chỉ là dĩ vãng. Hiện giờ con nít trong trường cũng đâu được dạy thực tế nên có lẽ chỉ đến khi Việt Nam mình thật sự chẳng còn gì ở rừng & biển thì mọi người mới giựt mình nhìn lại….

    Còn về ý thức bảo vệ môi trường thì dân ta kém dân Tây nhiều lắm lắm anh a. Buồn lắm thay!

  4. có gì đáng quan tâm đâu nhỉ

  5. này anh bạn cùng trường, có nhớ Đình Xuân khoa Sinh kg?
    sao không điện thoại cho kiểm lâm hay công an đến xử lý? cũng chỉ là nhặt một cộng rác thôi, nhưng nhiều người nhặt thì cũng đỡ bẩn!?

  6. Anh di nhieu noi ma cung xuc dong nhu vay sao, hinh anh nay may quan nhau thit rung cung co

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: