KÉN RỂ CHO HÀ NỘI

3613

Không ít người hẳn vẫn còn ngỡ ngàng trước sự kiện Hà Nội bị nhấn chìm trong biển nước, sau cơn mưa lịch sử ngày 31-10-2008. Cuộc sống của hầu hết người dân thủ đô đều bị đảo lộn: giao thông ách tắc, công việc, học hành đình đốn và giá cả tăng vọt!

Rõ ràng, cơn “đại hồng thủy” này đang đặt ra nhiều dấu hỏi và nỗi hoài nghi về khả năng ứng phó trước sự an nguy của thủ đô, khi có những thiên tai tương tự uy hiếp. Cho đến nay Hà Nội đã có đến 20 người chết vì cơn mưa này, một con số thiệt hại còn lớn hơn cả những trận bão lũ vừa qua trên phạm vi cả nước. Càng sững sờ hơn khi biết rằng dự án cải tạo hệ thống thoát nước của thành phố với kinh phí hàng ngàn tỉ đồng gần như tê liệt, vì chỉ đáp ứng được lượng mưa…170 mm(trong khi cơn mưa vừa qua lên đến trên 300 mm).

Và không thể không tự hỏi: công tác qui hoạch thủ đô ra sao mà chỉ sau 1 cơn mưa đã phải khốn khổ thế này? Phải chăng người ta chỉ chú trọng đến qui hoạch bề nổi mà thiếu quan tâm đến phần ngầm?

Thế rồi khi mưa lũ diễn ra trên diện rộng, các biện pháp ứng cứu và hỗ trợ người dân của những người có trách nhiệm cũng chưa thể hiện đúng mức. Công tác dự báo, cảnh báo của các cơ quan chức năng cũng hoàn toàn bị động và gần như để mặc cho người dân tự xoay xở với con nước đầy bất trắc.

Vâng, chưa bao giờ công tác trị thủy đối với thủ đô-trung tâm chính trị của quốc gia- lại được đặt ra bức bách như lúc này. Hà Nội cần một “chàng rể” có đủ năng lực và bản lĩnh ứng phó với mọi hiểm họa của thiên tai cho xứng tầm với “trái tim” của cả nước. Tất nhiên không đơn giản như khi xưa nước dâng đến đâu, Sơn Tinh lại cho núi cao đến đó. Cuộc chiến với nước trong bối cảnh nước ngày càng hung hãn như hiện nay- đòi hỏi phải có tầm nhìn khoa học, giải quyết được mối quan hệ hài hòa và thân thiện giữa con người với thiên nhiên, giữa yêu cầu phát triển đô thị với sự ổn định của môi trường…

Nhưng, tìm đâu ra “chú rể” như thế?

(Tháng 11-2008)

Advertisement

TUYÊN CHIẾN VỚI XE MÁY?

a044

Sáng nay đi làm, chợt nhận ra đường phố bỗng chật chội khác thường vì sĩ tử các nơi đổ về ứng thí.

Vào cuối ngày, sau nhiều giờ bị nhốt trong cái hộp diêm ở lầu xanh, tôi thường có thói quen đến bên ô cửa kính để đứng nhìn xuống dưới đường. Ở đấy, tôi như tìm được cảm giác cân bằng và tận hưởng đôi chút “không khí”đường phố sau một ngày làm việc căng thẳng và tù túng. Nhưng ở đấy, rất nhiều khi tôi cũng phải cau mày khó chịu khi chứng kiến những dòng xe-mà nhiều nhất vẫn là xe máy-nối đuôi nhau kẹt cứng dưới đường.

Không thể nói khác khi xe máy đang là tác nhân chính gây ra tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng như hiện nay mà ước tính thiệt hại mỗi ngày có thể lên đến 5 tỉ đồng! TP.HCM cũng là nơi có mật độ xe máy cao nhất thế giới: 400-450 xe/1.000 dân.

Qủa thật, không có đô thị nào trên thế giới lại có mật độ xe máy dày đặc như ở TP.HCM và dù muốn hay không muốn cũng phải nhìn nhận xe máy đang là vấn nạn thực sự của xã hội. Làm sao có được trật tự giao thông? Làm sao có được nếp sống văn minh đô thị khi mà xe máy đã gia tăng đến mức hỗn loạn và không thể kiểm soát?

Đã có không ít cuộc hội thảo-hội nghị, đã có vô số những giải pháp-sáng kiến được đề xuất để giải quyết tình trạng kẹt xe như hạn chế đăng ký xe mới, thu phí xe lưu hành, đi ngày chẵn-ngày lẻ…nhưng đều phá sản! Thậm chí, có người còn mạnh miệng thẳng thừng “tuyên chiến với xe máy” như đại biểu HĐND Võ Văn Sen từng đăng đàn đề nghị.

Nhưng, xe máy vẫn cứ tồn tại và ngày càng gia tăng đến mức ngạt thở. Tôi cũng đi làm bằng xe máy hằng ngày, nhưng không thể vì những tiện ích riêng tư mà phớt lờ yêu cầu xác lập nếp sống văn minh và trật tự cần có của một đô thị hiện đại. Nếu chưa thể khai tử ngay với xe máy( nhiều nước đã cấm rất triệt để như Trung Quốc) thì nên chăng có thể thí điểm cấm lưu hành trước ở những khu trung tâm thành phố, sau đó mở rộng dần ra các khu vực khác. Cùng với các biện pháp hành chính khác, có lẽ đó cũng là cách để hạn chế dần sự xuất hiện của xe máy trên đường phố.

Đúng là, đã đến lúc cần phải tuyên chiến với xe máy!

(Tháng 7-2008)

TẠI SAO HAI NHÀ BÁO BỊ BẮT?

a394

Hai nhà báo nổi tiếng đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là Nguyễn Văn Hải (33 tuổi, Phó trưởng Văn phòng đại diện kiêm Bí thư Chi bộ Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội), Nguyễn Việt Chiến (56 tuổi, phóng viên báo Thanh Niên) đã bị cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam chiều 12-5.

Các nhà báo này bị khởi tố bị can về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 281 BLHS.

Quyết định khởi tố bị can cho rằng hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến đã đưa những thông tin sai sự thật về vụ án Bùi Quang Hưng và Bùi Tiến Dũng cùng đồng bọn phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc; vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa nhận hối lộ, tham ô tài sản tại Ban Quản lý dự án 18.

Cùng bị bắt trong vụ án này còn có thượng tá Đinh Văn Huynh, điều tra viên cao cấp, trưởng phòng 9 của C14.

Trước đó, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo điều 263 BLHS và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 BLHS.

Liên quan đến vụ án này, từ tháng 5-2007, khi quá trình điều tra các vụ án tiêu cực liên quan đến PMU18 do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14, Bộ Công an) thụ lý bước vào giai đoạn kết thúc, hàng chục phóng viên của các báo từ Trung ương đến địa phương đã bị mời lên cơ quan An ninh điều tra để trả lời câu hỏi về việc lấy thông tin từ đâu, kiểm chứng như thế nào đối với các thông tin mà cơ quan chức năng cho rằng sai sự thật.

14g chiều qua, hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến có mặt tại trụ sở cơ quan An ninh điều tra theo yêu cầu của cơ quan công an. Tại đây, các điều tra viên đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và đưa hai nhà báo về nhà riêng và trụ sở văn phòng đại diện để khám xét.

Tại nhà riêng nhà báo Nguyễn Văn Hải, việc khám xét kéo dài khoảng 30 phút, cơ quan điều tra thu giữ một CPU máy tính, một điện thoại và một số tài liệu liên quan. Tại văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội, việc khám xét kéo dài đến hơn 19g, cơ quan công an cũng thu giữ một CPU máy tính cùng một số tài liệu liên quan. Tương tự, tại nhà riêng của nhà báo Nguyễn Việt Chiến và trụ sở báo Thanh Niên tại Hà Nội, cơ quan công an cũng thu giữ một số tài liệu, giấy tờ và CPU máy tính.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã mời luật sư Trần Văn Tạo tham gia tiến trình tố tụng bảo vệ quyền lợi cho nhà báo Nguyễn Văn Hải.

Nhà báo Nguyễn Văn Hải năm nay 33 tuổi, vào Đảng từ năm 21 tuổi – khi còn là sinh viên Phân viện Báo chí và tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền). 12 năm lăn lộn với nghề báo, bút danh N.V.Hải, N.V.H. trên báo Tuổi Trẻ gắn liền với hàng loạt vụ án lớn như vụ Thủy cung Thăng Long, vụ tham nhũng ở dự án Mường Tè, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ tiêu cực dầu khí, vụ tiêu cực ở Thanh tra Chính phủ, vụ tiêu cực ở ngành hàng không, vụ tham nhũng đất đai Đồ Sơn, vụ án ở PMU18…

Năm 2003, Nguyễn Văn Hải cùng đồng nghiệp Tuổi Trẻ được trao giải A, Giải báo chí toàn quốc với loạt bài chống nạn cơm tù, xe cướp trên quốc lộ 1A. Ban biên tập và đồng nghiệp Tuổi Trẻ luôn đánh giá cao năng lực, đặc biệt là đạo đức và lối sống của Nguyễn Văn Hải, cả với tư cách một nhà báo lẫn tư cách một công dân.

Với báo Tuổi Trẻ, nhà báo Nguyễn Văn Hải là một con người có bản lĩnh, đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu. Việc nhà báo Nguyễn Văn Hải được tín nhiệm cử giữ chức Phó trưởng Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ kiêm Bí thư Chi bộ Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội đã phần nào nói lên điều đó.

Trong quá trình xử lý, đăng tải thông tin về vụ án tiêu cực ở PMU18, báo Tuổi Trẻ có một số thông tin không chính xác và ngay sau đó đã cải chính kịp thời trên mặt báo, có tin cải chính tới hai lần. Những sơ suất này đều được Ban biên tập Tuổi Trẻ rút kinh nghiệm sâu sắc ở các khâu, trong đó có vấn đề tỉnh táo, thận trọng, tránh nôn nóng khi đưa tin về các vụ chống tham nhũng. Bản thân nhà báo Nguyễn Văn Hải cũng đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời giúp đỡ rất hiệu quả đối với các đồng nghiệp trong mỗi bản tin đưa lên mặt báo.

Tuổi Trẻ

Hôm qua cùng với cơn dư chấn lan đi từ miền Tây Trung Quốc, Hà Nội và làng báo còn rúng động bởi tin tức hai nhà báo bị bắt. Những đồng nghiệp của tôi ở văn phòng Hà Nội đã tiễn đưa Nguyễn Văn Hải về trại giam trong nước mắt tủi buồn và đau đớn !

(13-5-2008)

BÌA BÁO DÀNH CHO AI?

5a5c

Cầm trên tay số báo Người Làm Báo tháng 3-2008-tờ báo của Trung ương Hội Nhà báo VN (ảnh) mà không khỏi cảm thấy thất vọng và ái ngại. Qủa thật chưa bàn đến nội dung, nhìn tấm ảnh trang bìa với 5 người đứng khép nép và miễn cưỡng (có lẽ là ảnh dựng) trò chuyện, không hiểu có người đọc nào sẵn sàng móc túi mua cuốn tạp chí ấy với giá 6.500 đồng mà không phải đắn đo ?

Ảnh và trang bìa bao giờ cũng là một chỉ dẫn quan trọng của một tờ báo. Ngoài chức năng khai báo, trang 1 của tờ báo còn đóng vai trò dẫn dụ và định hướng người đọc. Chính vì thế mà trong từng ca trực, ngoài chuyên mục “Thời sự & suy nghĩ”, ảnh vedette luôn làm chúng tôi phải “đau đầu” thực sự khi lựa chọn. Có đến 3 cuộc họp trong ngày nhưng trong nhiều tình huống, phải đến giờ chót ảnh vedette mới ngã ngũ sau khi đã cân nhắc và suy xét đủ điều. Ngoài yêu cầu đẹp, ảnh còn phải mang thông điệp và đặc biệt là phải có thông tin (khác với ảnh minh họa).

Thế nhưng vẫn không tránh khỏi có những số báo, ảnh bìa Tuổi Trẻ vẫn không đạt, thậm chí chỉ thuần túy minh họa. Cứ vào sáng thứ hai hằng tuần, ngoài đề cập đến nội dung các trang báo, ảnh trang 1 bào giờ cũng được hội đồng biên tập “mổ xẻ” kỹ lưỡng để rút ra những bài học kinh nghiệm cho các số báo sau.

Thỉnh thoảng đồng nghiệp Khổng Loan lại send cho tôi tham khảo những hình bìa đoạt giải của một số tạp chí nước ngoài. Phải thừa nhận là ảnh của họ rất đẹp, sống động và nhất là không trùng lắp về hình thức trình bày. Người ta chăm chút như thế, trong khi nhìn lại mình và một số báo đồng nghiệp, trong chừng mực nào đó không khỏi cảm thấy hổ thẹn. Có tờ báo mới ra đời với mục tiêu đầy tham vọng, nhưng có số báo đã đăng ảnh trang bìa tràn cả trang lễ hội đền Hùng với 1 dòng tít duy nhất: giỗ tổ Hùng Vương ! Không hiểu với hình thức như thế, liệu tham vọng trở thành 1 tờ báo lớn mà họ đặt ra có đạt được ?

Mặc dù nội dung luôn là yếu tố quyết định, song hình thức cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc dẫn dụ và thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của người đọc. Một gương mặt ưa nhìn, một dáng vẻ tươi mát, quyến rũ…vẫn có sức thu hút người xem hơn, dù tính tình người đó có đôi chút đỏng đảnh, khác thường.

Trở lại với tạp chí Người làm báo, tôi chỉ xin có một vài nhận xét chân tình với tư cách là 1 hội viên, 1 bạn đọc. Ngoài một vài bài của tác giả Đinh Phong và Ma Văn Kháng, quả thật các bài còn lại đều rất khó đọc, chữ nghĩa dày đặc, trình bày đơn điệu…thậm chí, có tít bài còn dài đến…52 chữ ! Với chức năng phổ biến và hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ hành nghề cho hội viên, dường như Người làm báo muốn cố tình tạo ra những bài học nghiệp vụ ngay trên từng số báo của mình ?

(Tháng 4-2008)

SỐ 1 VIỆT NAM!

c207

Những ngày này, khi vịnh Hạ Long và động Phong Nha luôn ngự ở vị trí nhất, nhì bảng tổng sắp của www.new7wonders, là người Việt Nam không ai lại không cảm thấy hân hoan và lâng lâng một niềm tự hào dân tộc. Có lẽ vì thế mà khi chúng tôi mời một số đơn vị tham gia cuộc vận động “Hãy bầu chọn cho Việt Nam”, ICP và VDC2 đã hưởng ứng ngay mà rất ít đặt điều kiện về quảng bá thương hiệu.

Tình cảm dành cho dân tộc như một ngọn lửa luôn tiềm tàng trong mỗi con người và khi có dịp thể hiện, ngọn lửa ấy sẽ bùng cháy rất dữ dội. Tình yêu dành cho đất nước luôn là số 1 trong trái tim mọi người ! Chính vì thế mà hơn 100 thành viên có mặt trong đoàn caravan do Tuổi Trẻ và Công ty Viking tổ chức mới đây đều hướng về mục tiêu chung là vận động bạn bè trong khối ASEAN bầu chọn cho Việt Nam. Tất cả họ đều có chung một suy nghĩ: phải làm điều gì đó cho Tổ quốc mình !

Tình yêu dành cho Tổ quốc thật cao cả và thiêng liêng. Tình yêu ấy được thể hiện hết sức mạnh mẽ và dữ dội qua các trận thi đấu thể thao quốc tế có VN tham dự, qua những sự kiện gây tổn thương đến đất nước như vụ Trung Quốc thành lập thành phố Nam Sa để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…

Những ngày này, đây đó không ít bạn trẻ cũng đang ráo riết vận động “Hãy bầu chọn cho Việt Nam” bằng nhiều chương trình thiết thực. Cuộc bình chọn còn kéo dài đến tận cuối năm và chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Có thể cả ba danh thắng của Việt Nam đều không lọt vào top 7, nhưng tình yêu mà mọi người dành cho đất nước này, dân tộc này vẫn là số 1 !

Và vì lẽ đó, những ngày này khi đặt bàn tay lên ngực trái của mình, cứ nghe rộn rã hai tiếng Việt Nam thân thương mà thiêng liêng quá đỗi !

(Tháng 2-2008)

NHIỀU “SẬP”

fc65

Chỉ còn 1 tuần nữa sẽ đến Tết. Ngồi ngẫm lại mới nhận ra rằng năm qua có quá nhiều vụ sập xảy ra trên nhiều miền đất nước.

Đầu tiên là vụ sập cầu Rạch Sỏi, TP Rạch Gía, tỉnh Kiên Giang. Ngày 26-4, cây cầu Rạch Sỏi cũ bất ngờ đổ sập xuống sông khiến hai người bị thương nặng. Rất may là cầu sập vào lúc 5 giờ sang, nếu không thương vong hẳn đã không dừng lại đó. Cầu cũ thì cầu sập, chỉ tiếc là lòng người cũng hoen ố vì sự hờ hững của mình.

Tiếp đến một vụ sập khác cũng diễn ra ở tỉnh này: sập hòn Phụ Tử ở Kiên Lương, Kiên Giang. Ngày 9-8, phần “cha” nặng gần 1.000 tấn của hòn Phụ Tử đổ sập-một trong hai biểu tượng của tỉnh này ngã nhào xuống biển sâu. Tượng đá phụ tử đổ sập, chỉ mong tình cha con trong cuộc đời này luôn mãi trường tồn.

Nhưng, vụ sập tang thương nhất, chấn động nhất vẫn là sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Mọi chuyện có thể thay đổi, nhưng có lẽ không ai có thể quên được cái ngày đau đớn ấy-ngày 26-9 với 53 con người mãi mãi nằm lại bên bờ Vĩnh Long. Cả nước bàng hoàng trước tiếng kêu xé lòng của các nạn nhân, cả người đã chết và người đang sống.

Cây cầu rồi cũng sẽ hoàn thành, nhưng vụ sập choáng váng ngày ấy đã lấy đi ít nhiều lòng tin vào đội ngũ xây dựng cầu đường và trở thành một phần lịch sử đáng xấu hổ nhất của ngành giao thông !

Hết sập cầu đến sập núi. Ngày 15-12, một vụ sập núi đã xảy ra tại công trình thuỷ điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An) chôn vùi 18 kỹ sư và công nhân. Chưa hết. 12 ngày sau, một vụ sập núi tương tự lại xảy ra tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh làm 7 người chết, 1 người bị thương. Hầu hết trong số các nạn nhân đều là phụ nữ-những người vốn lấy đá làm kế sinh nhai, đến khi lìa đời lại bị vùi sâu dưới mấy tầng đá. Sống với đá, chết lại trở về với đá !

Óai ăm thay, dường như không còn gì để sập. Đến như chiếc cần cẩu đang xây dựng công trình Centec Tower ở TP.HCM cùng ngày cũng đổ sập theo, chắn ngang một đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai. Rất may, không một ai tử vong mặc dù vụ sập này xảy ra tại một thành phố đông dân nhất và dễ tổn thương nhất.

Qủa thật, đã có quá nhiều vụ sập xảy ra trong năm qua. Trong chúng ta-bên cạnh sự được có ở đời-dường như ai cũng bị đổ sập một vài thứ, ít nhất là đã sập mất 1 tuổi nữa rồi !

(Tháng 1-2008)

NÀY LÀ MẸ, NÀY LÀ CÔ

Người mẹ dùng vật cứng đánh vào đầu con trai dẫn đến tử vong vừa bị Công an Bình Chánh, TP.HCM bắt giữ.

Đọc bản tin này và diễn biến trước đó của câu chuyện, lòng tôi cứ xốn xang nhiều nỗi. Thú dữ còn biết bảo vệ con, mẹ nào lại không thương núm ruột của mình ? Dường như trong một phút điên giận và quẫn trí, người mẹ ấy đã không lượng định được hậu quả lại có thể xảy ra nghiêm trọng đến vậy.

Tương tự, khi dán băng keo vào miệng cháu bé 18 tháng tuổi, cô bảo mẫu ở Phú Nhuận có lẽ cũng không tiên liệu rằng tình huống lại xảy ra xấu đến thế. Thiếu trình độ nghiệp vụ đã đành, cô bảo này còn thiếu cả tình yêu nghề nghiệp và tình yêu con trẻ. Chắc chắn khi bình tâm lại, cô không khỏi ray rứt một đời vì hành động nông nổi của mình.

Cha mẹ nào lại không thương yêu con cái ? Nhưng trong những hoàn cảnh chẳng đặng đừng, không ít bậc cha mẹ đã phải đành vứt bỏ đứa con thân yêu của mình. Tại Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Tam Bình (Thủ Đức, TP.HCM), lúc nào cũng có hàng chục đứa trẻ tựa mình sau song cửa chờ chực ai đó đến thăm và chia sẻ tình thương với chúng-một thứ tình cảm mà chúng vốn thiếu vắng ngay từ khi chào đời ! Người chai sạn mấy khi chứng kiến hình ảnh ấy cũng không khỏi nao lòng…

Vâng, cha mẹ nào lại không thương con. Tại nghĩa trang hài nhi ở Nha Trang, bên cạnh những nấm mộ của những sinh linh xấu số, ai đó đã cho đặt một tấm bia với dòng chữ: “Cha mẹ xin lỗi con”. Một nỗi ray rứt có thật của bậc sinh thành mà vì lý do nào đó, họ đã không giữ được đứa con bé bỏng của mình. Những hài nhi ấy đã bị tước mất quyền được sống và mãi mãi nằm lại mảnh đất hoang lạnh này, khi chưa kịp cất tiếng khóc làm người.

Trở lại với câu chuyện người mẹ đánh con đến tử vong đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nếu là người nắm giữ trọng trách tại cơ quan thực thi pháp luật, có thể tôi sẽ miễn tố cho người mẹ đó. Bởi, chính cái chết của đứa con trai đã là một bản án, một nỗi đau và sự day dứt khôn cùng của người mẹ ấy suốt cuộc đời này.

(Tháng 1-2008)

CHÍNH SÁCH NHÀ KÍNH

961d

Những ngày gần đây, một loạt các quyết định của Nhà nước phải hoãn lại hoặc không thể thực thi là do không thực tế và vì thế đã không nhận được sự đồng thuận từ phía người dân. Hay nói cách khác, đó là những “chính sách nhà kính”, chưa lường định được những phản hồi từ phía đối tượng bị chi phối và do đó đã bị chính thực tiễn từ khước, kháng cự.

Quyết định cấm xe ba gác và xe tự chế phải hoãn lại đến 6 tháng sau. Các loại “giấy trắng” cũng được gia hạn giao dịch đến 2010. Còn quyết định xử phạt hàng rong nếu không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm thì sao ? Ai đi phạt và có phạt được không ? Những người buôn gánh bán bưng lấy đâu ra 10-15 triệu đồng để nộp phạt ?…Chỉ e quyết định này cũng như số phận của những chủ trương trên, rốt lại cũng sẽ rơi vào quên lãng mà thôi !

Trong bối cảnh giá cả đang tăng với tốc độ phi mã, các quyết định trên được tung ra càng khiến cho một bộ phận người dân nghèo đang chiếm số đông trong xã hội không tránh khỏi ức chế và lâm vào thế cùng quẫn.

Từ những “chính sách nhà kính” trên, người ta đã nhận ra nhiều bài học liên quan đến hiệu quả thực thi quyết định, sự bàng quan của những đơn vị tham mưu và cả sự vô cảm của nhà hoạch định chính sách.

(Tháng 1-2008)

TỘI TÌNH BA GÁC

851d

Theo qui định, từ ngày 1-1-2008 (riêng TP.HCM cho gia hạn đến 30-6-2008), các loại xe ba gác và xe tự chế bị cấm lưu hành trên phạm vi cả nước. Hàng triệu người dân hành nghề bằng các phương tiện này đương nhiên cũng phải dừng bước mưu sinh trong hoang mang và khốn khó.

Không như xe thổ mộ và xe lam cáo chung vai trò lịch sử của mình trong lặng lẽ, các loại phương tiện thô sơ trên tồn tại phổ biến hơn và có tuổi thọ dài hơn vì chúng gắn chặt với đời sống người dân nghèo, rất nghèo-tầng lớp đang chiếm số đông trong xã hội.

Chẳng ai biết các loại phương tiện trên xuất hiện từ khi nào, nhưng chắc chắn chúng ra đời từ những nhu cầu rất thật. Cần di chuyển trong phạm vi vài km, đã có xích lô với giá chỉ dăm ba ngàn. Muốn vận chuyển gạch cát xây nhà; dời đổi cái bàn, chiếc tủ đã có xe ba gác nhận lãnh với tiền công không quá 1 tô phở…

Hồi năm thứ nhất đại học trong lúc ở với người anh tại Biên Hoà, tôi cũng đã từng nhờ đến phương tiện này để kiếm thêm tiền mua sắm bút tập. Đồng cảm với hoàn cảnh cam khó của sinh viên nghèo, một người hàng xóm tốt bụng đã cho tôi mượn chiếc ba gác đạp hành nghề mà không lấy một đồng nào. Thậm chí gặp khi chở nặng, ông còn sai thằng con đi theo phụ giúp tôi một tay. Sau này có dịp về lại Biên Hoà, có lần tôi đã tìm đến nhà cốt để cảm ơn nghĩa cử đẹp của người hàng xóm xưa kia. Nhưng người ta cho biết rằng ông đã cùng gia đình sang định cư ở Mỹ từ nhiều năm trước.

Những phương tiện thô sơ trên vốn cũng đã giúp cho bao nhiêu người kiếm cơm, nuôi sống mình và con cái học hành thành đạt. Năm 1993, tôi đã từng có bài báo “Cha, con và chiếc xích lô” viết về trường hợp người cha của Lê Quang Nẫm lặn lội từ Quảng Ngãi vào thuê nhà ngày ngày đạp xích lô nuôi con ăn học. Suốt 3 năm phổ thông và 4 năm đại học của con, ông đã rong ruổi với chiếc xích lô khắp phố phường Sài Gòn, bất chấp nắng mưa hay những cơn đau tức ngực vì căn bệnh phổi hành hạ. Không phụ công cha, Nẫm liên tiếp đạt được những kết quả học tập hết sức xuất sắc và hiện đang làm nghiên cứu sinh tại một trường đại học danh tiếng của Mỹ.

Lệnh cấm bao giờ cũng có lý và người nghèo bao giờ cũng có lỗi. Khi thực thi những chính sách xã hội có tầm ảnh hưởng rộng lớn như lệnh cấm này, người nghèo bao giờ cũng yếu thế và luôn nhận lãnh phần thiệt thòi. Làm sao kiếm đâu ra đến hàng chục triệu đồng để mua sắm phương tiện mới hành nghề, kiến tạo việc làm trong khi họ vẫn phải ăn đong hàng ngày ? Trong bối cảnh ấy, những chính sách kịp thời từ phía Nhà nước như hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp hoặc cấp vốn vay mua sắm phương tiện khác mưu sinh đang cần thiết hơn bao giờ hết.

Vâng, trong khi mọi người đang náo nức chuẩn bị chào đón năm mới thì hàng triệu người lại đang rối bời với nỗi lo cơm áo gạo tiền và thắc thỏm trước những câu hỏi liên quan trực diện đến nồi cơm hàng ngày.

(Tháng 12-2007)

NỖI OAN MẮM TÔM

69d2

Ngày 26-12, một lần nữa Bộ Y tế lại có thông báo cho rằng việc dừng sử dụng mắm tôm trên phạm vi toàn quốc vào thời điểm cao trào của dịch tả là cần thiết. Lại thêm một văn bản nữa có tính chống chế với dư luận, khi mà trước đó Bộ Y tế vẫn khăng khăng mắm tôm là thủ phạm gây ra bệnh tả.

Nhưng, hàng trăm mẫu mắm tôm đã được xét nghiệm xem có chứa vi khuẩn gây bệnh tả hay không và kết quả là không. Mà làm sao có thể có, khi cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm khẳng định chỉ cần ở trong môi trường 8% độ mặn là vi khuẩn tả đã không thể tồn tại, trong khi mắm tôm có độ mặn cao đến 20-25% ? Y văn thế giới cũng đã từng khẳng định điều tương tự từ 20 năm trước. Thế mà thật lạ, cơ quan chuyên môn cao nhất là Bộ Y tế lại không hề hay biết điều này ! Chỉ tiếc là mắm tôm lại không biết nói năng…

Cuối cùng, mắm tôm cũng đã được lưu hành trở lại, sau hàng tháng ròng bị phong toả oan ức. Nhưng mắm tôm và những gia đình, doanh nghiệp sản xuất mắm tôm phải lao đao trong cơn bệnh tả vừa qua thì vẫn còn bị nợ một lời xin lỗi. Cho đến nay trong những văn bản chính thức có đề cập đến mắm tôm, Bộ Y tế vẫn chỉ tìm cách biện bạch hoặc chống chế thay vì nhận trách nhiệm về mình và công khai xin lỗi người dân.

Trong cuộc đời, ai lại không có những sai lầm này hoặc thiếu sót nọ, nhưng quan trọng là biết nhận ra sai lầm và thành tâm sửa chữa. Trong trường hợp này, Bộ Y tế không muốn nhận trách nhiệm hay vì sĩ diện ?

“Mắm tôm đã thơm trở lại”, nhưng nỗi oan khiên của chính mắm tôm và những người sản xuất mắm tôm thì vẫn còn phảng phất là vì thế !

(Tháng 12-2007)