SỰ THẬT TRẦN TRỤI

1.Cả bọn 7 người ráo riết chuẩn bị cho chuyến tham quan Vườn Quốc gia Cát Tiên từ hai tuần trước. Tâm trạng ai nấy đều háo hức chờ đợi được khám phá một di chỉ văn hóa, thăm thú các thảm rừng nguyên sinh và nhất là được mục sở thị các loài động vật nơi đây.

Nhưng háo hức bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu. 20 g 15, cả bọn được xe ô tô đưa đi xem thú, cách khu nhà nghỉ chừng 10 km. Thú thật, trong thâm tâm ai cũng nghĩ rằng đấy là một bình nguyên rừng phong phú về chủng loài và đa dạng về mặt sinh học như những khu bảo tồn ở Nam Phi mà ti vi thường phát. Thế nhưng trái với những gì người ta mường tượng, nơi chúng tôi xem thú chỉ là những trảng cỏ thưa thớt bóng cây và không một tiếng chim kêu hay vượn hót.

Tuy vậy, ai cũng căng mắt dõi theo ánh đèn pha từ tay anh nhân viên kiểm lâm liên tục quét vào rừng. Và, thi thoảng theo ánh đèn ấy mới thấy từ xa hiện ra 1-2 đốm xanh mà nhân viên kiểm lâm cho là mắt nai hay mắt chồn(!). Họa hoằn lắm mới nhận ra một vài dáng nai mờ ảo lững thững nơi xa tít. Và… chấm hết!

Anh bạn đi cùng không giấu được nỗi thất vọng: Vậy mà gọi là xem thú sao?! Ngại ngùng, tôi phải ra dấu cho anh ngưng…phát biểu cảm tưởng vì sợ làm nhân viên kiểm lâm hướng dẫn phật lòng.

2. Sáng hôm sau, chúng tôi được đi tham quan Trung tâm cứu hộ linh trưởng Đảo Tiên, cách đó khoảng 15 phút đi xuồng. Thật bất ngờ khi được biết nơi đây đang có đến 6 tình nguyện viên người nước ngoài sang hỗ trợ trung tâm về chuyên môn và trực tiếp chăm sóc thú. Đáng trân trọng hơn, họ tình nguyện sang Việt Nam phục vụ không lương trong khoảng 1-2 năm với mọi chi tiêu đều từ tiền túi của mình.

Vậy mà họ tận tâm chăm sóc thú đến kinh ngạc. Lúc chúng tôi đến, đang có 3 nữ tình nguyện viên miệt mài cọ rửa chuồng trại còn sạch hơn cả nhà ở của mình. Và, khi một người trong nhóm chúng tôi rón rén đến gần chuồng vượn để quan sát thì liền bị nữ tình nguyện viên này yêu cầu rời khỏi đó ngay bằng một giọng Việt lơ lớ: Xin lỗi, không được đến gần vì làm vượn sợ!

3. Trưa cùng ngày, chúng tôi rời Cát Tiên và trên đường ra đã ghé lại một quán ăn gần đó để lót dạ trước khi trở về Sài Gòn. Vừa ngồi vào bàn chừng 2 phút, anh bạn đi cùng chợt ra hiệu, chỉ trỏ và hướng sự chú ý của mọi người về phía nhà bếp… Thật khủng khiếp, bên dưới gian bếp của quán ăn đang treo lủng lẳng một con voọc chà vá (có tên trong sách đỏ) vừa bị phanh thân mổ bụng toang hoác, trong khi mắt con vật vẫn trợn trừng như chưa thôi kinh ngạc vì sự man ác của loài người.

Bàng hoàng đến thẫn thờ!

Trên đường về, hình ảnh về con voọc cứ đeo đẳng mãi trong tâm trí tôi với những câu hỏi day dứt: Tại sao những cô gái nước ngoài kia lại yêu thương động vật hoang dã đến thế, trong khi chúng ta vẫn luôn săn tìm và tận diệt chúng để phục vụ cho nỗi thèm ăn của mình và ai đó? Bao giờ người dân mình mới nhận thức và hành động đúng mực để hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu? Làm sao để khái niệm “đưa trái đất về vườn nhà” gấn gũi với tất cả mọi người? Phải chăng ý thức về môi trường của dân ta kém hơn dân Tây?

Những câu hỏi ấy đến nay vẫn chưa có lời đáp…

Advertisement

NHỮNG CÁI CHẾT TRẮNG

6f5c

Ra Tết, thật ngẫu nhiên khi nhiều tờ báo đều ít nhiều đề cập đến vấn nạn ma túy và những hệ lụy khủng khiếp của nó gây ra cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Trước và sau Tết, cũng thật ngẫu nhiên khi tôi phải dự đến 3 tang lễ của người thân, họ hàng. Trong đó, đau đớn và xót xa nhất vẫn là đám tang của con ông chú tôi. Mùng 6 Tết, trong khi mọi người còn đang cố kéo dài sự ăn chơi, tận hưởng thì gia đình chú tôi tang ma rối bời, xao xác đến tội nghiệp. Đó là đám ma của một người trẻ, chết vì cái thứ bột trắng đang hoành hành dữ dội ở mọi ngõ ngách của cuộc sống hiện thời.

Có lẽ chưa có đám tang nào mà lại buồn và hiu hắt đến thế. Chú tôi ngồi thẫn thờ một góc, còn thím tôi đứng chết lặng như cái bóng giữa lác đác mấy người thân, họ hàng đến viếng. Ai cũng chạnh lòng, đau đớn vì nó chết trẻ quá và chết nhanh quá. 28 tuổi, nhưng đã có đến một nửa thời gian sống nó phải vật vờ vào tù ra trại. Lần cuối cùng, nó dừng lại ở trại giam Tống Lê Chân(Bình Phước) vì bước chân cuộc đời chỉ ngắn ngủi đến thế. Cách đây hơn 1 tháng-khi đã chuyển sang HIV giai đoạn cuối, ban quản giáo mới cho gia đình đưa nó về và cũng chỉ kịp vào bệnh viện vài ngày là nó ra đi.

Một cái chết trắng! Trắng không phải chỉ vì sắc màu của heroin, mà trắng còn hàm chứa sự tác oai tác quái và những mất mát khủng khiếp do chất bột ghê người ấy gây ra. Chú tôi có hai đứa con trai thì cả hai, thật đau lòng đều dính và trở thành nô lệ của thứ bột trắng ấy. Thằng anh chết đi trong khi thằng em vẫn còn ngồi trong trại giam. Trước đó mấy tháng khi ghé thăm nhà chú, tôi và nó(thằng em) đã có dịp ngồi trò chuyện khá lâu về tình cảm bà con, trách nhiệm gia đình và những lỡ lầm của tuổi trẻ trong quá khứ. Nó đã hứa với tôi chắc nịch rằng sẽ chí thú làm ăn để gánh vác trọng trách rường cột gia đình và không bao giờ quay lại với “nàng tiên nâu” nữa.

Nhưng “ngựa quen đường cũ”, chẳng bao lâu sau đã nghe nó bị bắt vì tội mua bán và tàng trữ heroin. Có người còn nhận ra nó bị đánh bê bết máu, trước khi bị tống vào trại giam một lần nữa. Ma lực của cái thứ bột trắng ấy thật kinh khiếp, thật khó để cưỡng lại sức hút của nó khi đã vướng vào dù chỉ là một lần. Anh bạn tôi có đứa em cũng lún sâu vào con đường nghiện ngập đến mức, anh phải công khai trên báo với một lời kêu cứu thảm thiết: Ai cứu em tôi với?! Có lúc anh đã lẩn thẩn nghĩ rằng không còn cách nào khác, trừ khi đưa nó một mình ra đảo vắng, cách ly hoàn toàn với thế giới con người đầy cám dỗ và hiểm nguy này!

Qủa là không dễ đoạn tuyệt với ma túy. Chính vì thế mà đến bây giờ người ta vẫn đang tranh cãi có nên quản lý sau cai nghiện(1-2 năm) hay không và bằng hình thức nào? Vâng, bằng cách nào khi cả nước đang có tới 160.000 con nghiện? Có người còn cho rằng tỉ lệ tái nghiện trên 80% vẫn là con số đầy hoài nghi!

Từ tháng 12-2005 đến tháng 1-2009, TP.HCM có 1.021 người sau cai nghiện tử vong do mắc AIDS và kiệt sức. Trong đó, có hơn 80% nằm trong độ tuổi từ 16 đến 35. Những cái chết- trắng và trẻ đến lạnh người!

Vội vã chia tay thằng em vắn số, nhìn dáng chú tôi đi liêu xiêu trong con hẻm nhỏ mà đau thắt tận đáy lòng…

(Tháng 2-2009)

VỤ ÁN CÁI QUẦN

22a4

Sau khi hoàn tất công việc tại Đắc Lắc, mấy anh em bèn rủ nhau lên xe tranh thủ sang Đà Lạt ở lại thư giãn một ngày. Đường xấu nên hơn 5 giờ đồng hồ xe mới bò tới thành phố cao nguyên này. Sau khi ăn uống qua loa, nhận phòng khách sạn và tắm táp vội vàng, cả nhóm liền đi uống cà phê tại một ngôi quán đẹp và ấm cúng trên đường Nguyễn Du.

22,30 giờ. Cả bọn trở về khách sạn-một ngôi biệt thự khá tiện nghi và sang trọng trên đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn. Bốn anh em trong phòng lại bày rượu mồi ra ngồi tán gẫu đến tận 1 giờ sáng, khi hai chai vang và soju đã cạn.

Và chuyện gì đã xảy ra?

6 giờ sáng, thằng Ku (một sinh viên báo chí năm 2) nằm cạnh mở mắt và la toáng lên: chiếc laptop của em đâu? 2 giây sau: máy ảnh của em đâu? Rồi: điện thoại của em đâu?…

Sau phút bàng hoàng, tôi choàng dậy kiểm tra đồ đạc, tư trang thì hỡi ôi, chiếc quần dài (trong đó có ví tiền và nhiều giấy tờ tùy thân) đã không cánh mà bay! Chưa kể, chiếc điện thoại Nokia 5610 mới mua chưa đầy 3 tháng để ở đầu giường cũng biến mất.

Kinh ngạc, thẫn thờ và không ai tin rằng chuyện trộm cắp lại xảy ra tại một khách sạn khá tươm tất ở một thành phố vốn rất yên bình này.

Chuyến đi tưởng thú vị lại trở nên buồn bã và ảm đạm. Công an khu vực, Công an phường và cả Cảnh sát hình sự thành phố cũng sốt sắng có mặt tại hiện trường. Nhưng hi vọng cứ vơi dần…Chẳng còn ai tha thiết đi chơi nữa, cả nhóm lên xe trở về Sài Gòn trong tâm trạng u uất và chán chường. Xe chạy đến gần hồ Tuyền Lâm thì bất ngờ nhận được điện thoại từ công an thông báo quay lại nhận tài sản đã mất. Một thoáng mừng vui và hi vọng chợt lóe lên… Nhưng thật oái ăm, kẻ trộm chỉ trả lại 2 xâu chìa khóa, bút sổ và…chiếc quần rỗng túi!

Tội nghiệp thằng Ku sinh viên ki cóp gần 2 năm tiền nhuận bút để sắm sửa máy móc, phương tiện tác nghiệp. Tội nghiệp cho mình khi chưa kịp gửi tiền về cho mẹ ở quê. Buồn tiếc vì số tiền không nhỏ (hơn 40 triệu đồng), nhưng đau đớn và ray rứt hơn cả khi phải lìa xa kỷ vật duy nhất của người cha mà tôi đã cẩn thận giữ gìn suốt 35 năm qua. Đó là tấm thẻ căn cước(giấy chứng minh nhân dân) do chính quyền Sài Gòn cấp cho cha tôi trước năm 1975, trên đó có cả chữ ký của ông. Đó cũng là hình ảnh cuối cùng của cha mà tôi biết, vì khi ông qua đời tôi chỉ mới lên 5. Dung mạo cuối cùng mà tôi có thể mường tượng về cha giờ cũng đã không còn, càng đau đớn hơn khi nó lại mất ngay trong ngày giỗ lần thứ 35 của ông. Cứ nghĩ đến tấm thẻ căn cước ấy, lòng lại thắt đau và nước mắt cứ chực tuôn trào…

Trong cái lẽ nhân sinh của kiếp người, ai cũng có lúc được, lúc mất. Thế nhưng, không hiểu sao suốt 2 năm qua tôi cứ phải liên tục nhận lấy những mất mát, xúi quẩy về mình. Ngoài tiền bạc, vật chất, còn có những điều mất đi không thể có lại, còn có những nỗi đau day dứt một đời…

Giờ thì chỉ mong kẻ trộm còn chút nhân tính trả lại cho những giấy tờ đã mất(đặc biệt là tấm thẻ căn cước của cha), dù biết điều đó có thể chỉ là hão huyền, mong manh…

(Tháng 11-2008)

NGƯỜI HAI MẶT?

26d0

Sáng nay, giở tờ Nghề Báo số Xuân Mậu Tý chợt thấy bài thơ mình (bài Lạc em-http://blog.360.yahoo.com/blog-oyYhpH05erJw4kRlRtotOpbJ?p=2339) được đăng trang trọng ở góc trang 25 (chắc là em Hạnh Phạm ưu ái đây). Đã lâu lắm rồi thơ tôi mới xuất hiện trở lại trên báo, hẳn cũng đã trên 10 năm.

Thật ra hồi còn ở giảng đường đại học, thơ tôi vốn đã “nổi đình nổi đám” và cùng với Sỹ Hào, Phan Hoàng, Hương Trà, Trương Ngọc, Lưu Phước Hùng…tạo thành một “trận địa” thơ văn hết sức hào hứng, sôi động. Những năm cuối đại học, ngoài chức năng thẩm mỹ, thơ của chúng tôi còn có thêm chức năng…kiếm cơm trên các báo. Từ báo Nhân Dân, SGGP, TT, TN, PN đến cả BR-VT, LA cuối tuần, Nắng Sân Trường… đều có thơ đăng. Thơ cũng đa dạng về thể loại, hình thức và cả tâm trạng. Có lần để phù hợp với xuất xứ bài thơ, tôi đã bịa ra rằng mình vừa trở về từ chiến trường K và trở lại trường lớp với một tâm trạng bồi hồi, xao động (!) Thế mà cũng lừa được nhà thơ Lê Minh Quốc (phụ trách trang văn nghệ báo PN) để chễm chệ có bài đăng ở một góc trang ! Mới đây, bài Quasimodo của tôi cũng được anh Bùi Thanh Tuấn(biên tập viên HTV) đọc trên HTV hai lần. Vui vì còn có người nhớ đến thơ mình, mặc dù giọng đọc của Tuấn không phải đã truyền cảm, thậm chí còn đọc sai đôi chỗ (hehe, đừng buồn nhé Tuấn).

Cách đây mấy ngày, đồng nghiệp Nguyễn Hàng Tình nhắn vào máy tôi dòng tin: “ Đọc blog ông mới thấy Hà Thạch Hãn không phải là “cái máy”, duy lý. Thi nhân, tại sao không ? Hay bỏ TT đi làm thi sĩ đi, cho thế gian đẹp. Tôi ủng hộ và sẽ đổ xuống sông Đồng Nai kia 1,5 vạn lít rượu để thiên hạ cùng uống, cùng say !” Ha ha, một ý tưởng không tồi, nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ” ! Không chỉ Nguyễn Hàng Tình, rất nhiều đồng nghiệp đọc qua blog tôi cũng đều có nhận xét rằng tôi sống như người hai mặt: một mặt công việc rất nghiêm cẩn, vẻ ngoài cương nghị và lạnh lùng. Trong khi đó, mặt khác lại có một nội tâm hết sức tình cảm, bao dung và lãng mạn (không biết có đúng không ?). Dường như theo họ, trong con người tôi luôn tồn tại hai tính cách, hai con người khác nhau.

Có thật thế không ? Có thể đó là hai con người, hai mặt tính cách nhưng chúng không mâu thuẫn nhau mà luôn bổ sung và tương hỗ lẫn nhau. Tôi luôn nghiêm túc với công việc, nhưng vì là con người-lại là một người nhạy cảm, tôi cũng có những cảm xúc rất thường tình mang tên con người. Thơ hay những bài viết của tôi rốt lại cũng chỉ là những cảm nhận, những bộc bạch, tự sự của mình và của ai đó với một ngôn ngữ khác, ngoài ngôn ngữ báo chí.

Vì có nhiều người thắc mắc nên tôi mới viết entry này như một lời tự sự và giải trình về mình. Và dù đã có ít nhiều “tai tiếng” với thơ phú, nhưng trước sau tôi vẫn chỉ là một nhà báo-một nhà báo biết ứng dụng chút ít về thơ (hay đơn giản chỉ là thể nghiệm về một cấu trúc ngôn ngữ-tôi học về ngôn ngữ) vào những khi tắc tị, không thể diễn đạt bằng báo. Thôi thì sau một ngày căng cứng và mệt nhoài vì công việc, có một nơi như blog để thư giãn, kết bạn và vơ vẩn nghĩ về chuyện đời, chuyện người -dù với ngôn ngữ nào-hình như cũng không chết ai, phải không ?

(Tháng 1-2008)

CÓ MỘT ÔNG GIÀ CẦN ÔNG GIÀ NOEL

c4b1

Vì thói quen nghề nghiệp, mỗi ngày khi đi ngang qua con hẻm ấy tôi đều nán lại ít phút để quan sát ông lão vô gia cư. Trên cánh võng cáu bẩn, khi thì ông nằm ngoẹo đầu lim dim ngủ; lúc lại thấy ông cặm cụi nấu cơm rồi ngồi ăn giữa sự ồn ã của phố xá. Có khi chợt thấy ông ngồi bất động nhìn vô định vào bức tường phía đối diện… Nhưng dù ở trạng thái nào, bên cạnh ông bao giờ cũng có một bức ảnh Đức Mẹ Maria và chúa Hài đồng phóng lớn như chở che, bầu bạn cùng ông.

Không rõ tự bao lâu rồi, chiếc võng mỏng manh ấy đã như mái nhà của ông, bất kể nắng mưa và những đổi thay trên dòng đời. Có lần lân la hỏi chuyện về ông với cô bé bán cá kiểng cạnh đấy. Thật bất ngờ, tôi chỉ nhận được cái lắc đầu đầy ái ngại.

Thế đấy, ông lão vẫn lặng lẽ sống cô độc bên cạnh sự thờ ơ, ghẻ lạnh của lòng người. Ông vẫn sống cam chịu và câm lặng đến nhức nhối giữa phố phường náo nhiệt này, mỗi ngày…

Đêm nay, trời trở lạnh bất thường. Không hiểu ông lão gầy gò bên cánh võng mỏng manh có đủ sức chống chọi với cái giá rét của thời tiết và cả sự giá rét của đời người cô quạnh ?

Như bao đứa trẻ trên trái đất này, đêm nay hẳn ông cũng đang ao ước có một món quà từ ông già Noel-nhưng hẳn là một món quà đặc biệt: một vòng tay nồng ấm của người thân, một cái siết tay ấm nóng tình người.

Đó có lẽ là món quà vô giá đối với ông, bởi nỗi sợ hãi lớn nhất của con người chính là sợ cô đơn với đồng loại của mình !

(Tháng 12-2007)

HỘI NGỘ THỀM XƯA

bdd9

Hôm qua, Kiến Xíu bất ngờ xuất hiện ở toà soạn để mời mình và một số người khác cùng tham dự buổi offline vào tối nay mà cô luôn mong đợi. Tôi cũng không nghĩ rằng có một ngày lại gặp nhau như thế, chỉ tiếc là do phải trực báo nên đã tiếp đón Kiến Xíu không được chu đáo và tươm tất.

Tôi quen Kiến Xíu cũng tình cờ qua thế giới blog nhưng đã để lại cho cô nhiều ấn tượng, nhất là về sự đễnh đãng cố hữu của mình. Có lần, say sưa chat với Kiến Xíu mà oái ăm thay tôi lại cứ đinh ninh là đang chat với một người khác. Cho đến 30 phút sau, khi nhận ra thì đã muộn: hàng loạt từ ngữ bỗ bã và sỗ sàng đã tuôn ra khiến đương sự cũng sững sờ đến chết lặng ! Cũng may là Kiến Xíu vốn độ lượng nên cô cũng dễ dàng bỏ qua cho, mặc dù sau “sự cố” ấy mỗi lần chat lại bao giờ cô cũng thận trọng mở đầu: “Lần này có nhầm với ai nữa không đây ?”

Kiến Xíu theo chồng định cư ở Úc đã nhiều năm nay và về nước lần này, cô vẫn ao ước có một buổi offline qui tụ nhiều blogger có “máu mặt” vốn quen biết cô trên thế giới ảo này. Nghe đâu sẽ có đủ các “anh hào” góp vui như PT, TKO, KhanhDo, bác Phản Biện nhà tôi và có cả người ham vui-đạo diễn Trần Cảnh Đôn nữa…

Chúc cho cuộc hội ngộ thật vui và tưng bừng. Chúc cho ước nguyện của Kiến Xíu đạt thành và thấm đẫm tình bằng hữu trên quê hương ruột thịt của mình.

(Tháng 12-2007)

CHIA TAY ANH

40c1

Như vậy là chuyện gì đến cũng đã đến. Anh đã nhận quyết định điều động sang công tác ở một đơn vị khác.

Anh ra đi chắc chắn để lại không ít sự nuối tiếc trong lòng nhiều người. Vẫn biết đối với một số người, cái cách cư xử cộc cằn, có ý kiến mà như mạt sát và vùi dập người khác của anh đôi khi khiến người ta phật ý, khó chịu. Nhưng hơn 20 năm công tác ở tờ báo này, người ta đã không còn lạ với tính cách ấy, con người ấy của anh nữa. Như thể không gay gắt, không căng kéo thì không phải là con người anh. Vâng, cơ quan này đã quá quen thuộc với tính nết ấy của anh, quen thuộc đến mức mà nếu đến đơn vị mới, thoạt đầu chỉ e không dễ được người ta chấp nhận.

Tôi đến với Tuổi Trẻ sau anh rất nhiều. Trong công việc và lối suy nghĩ, không ít lần tôi cũng tỏ ra bất đồng với quan điểm và cách nhìn nhận của anh. Một đôi lần, tôi cũng không khỏi cảm thấy khó chịu khi bị anh phê bình hoặc góp ý căng thẳng quá mức.

Tuy nhiên trong nghề nghiệp, tôi luôn hàm ơn anh theo cái nghĩa của một người đi học việc thực sự. Những ngày mới chập chững bước vào Tuổi Trẻ, tôi đã được anh chỉ dẫn và khuyên bảo hết sức tận tình từ qui tắc viết tin cho đến cách thể hiện bài viết. Bài báo đầu tiên “hoành tráng” và “oách” nhất của tôi xuất hiện trên Tuổi Trẻ cũng nhờ vào tay biên tập của anh(khi đó là Trưởng Ban Chính trị-xã hội), mặc dù sau bài viết đó, tôi đã bị một số người họ hàng không thèm nhìn mặt vì dám đưa ảnh của họ đang cầu cơ xin số đề lến báo (!). Sau này khi anh giữ cương vị là Tổng thư ký toà soạn, tôi cũng đã học hỏi ở anh nhiều điều, từ kinh nghiệp xử lý tình huống đến công tác biên tập tin bài.

Bây giờ thì anh đã không còn ở Tuổi Trẻ nữa. Đến đi âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng trong cuộc chia tay này, sao vẫn thấy xốn xang nhiều nỗi vì người ra đi mà bước chần còn mãi day dứt, ngập ngừng…

(Tháng 12-2007)

CHUYỆN CỦA NHÓC

1782

Một ngày không đẹp trời, đột nhiên Nhóc nhảy ra chat với tôi bằng một câu mở đầu sặc mùi nịnh nọt: “Anh ơi, blog anh hay quá, cho em làm quen xí”. Cái cách làm quen của Nhóc kể ra cũng ngang tàng và ngộ ngộ, khiến tôi không khỏi tò mò.

Thế rồi từ đó, ngày nào Nhóc cũng nhảy ra chat với tôi, kể cho tôi nghe nhiều chuyện buồn vui trong cuộc sống, từ lũ lụt ở Hội An đến vụ đánh ghen của đôi vợ chồng nhà hàng xóm…

Có bữa, tôi đang thiêm thiếp giấc trưa thì nghe “Buzz ! Buzz !” phát ra từ chiếc máy tính. Choàng tỉnh, mở mắt nhìn vào cửa sổ yahoo mới biết kẻ quấy rối không ai khác, chính là Nhóc. Nhóc cấp báo với tôi: “Dậy nhanh lên, nước Hội An lên nhanh quá nì”. Thoáng chút bực bội, nhưng tôi cũng thầm cám ơn Nhóc vì nhờ những thông tin đó mà tôi có thể chỉ đạo phóng viên nắm bắt diễn biến cơn lũ sát sao hơn.

Tất nhiên, cũng có những lúc phải…choáng vì Nhóc. Nickname thì dài ngoằng và còn điểm trang thêm vô số cái gạch chéo, viết thì ký tự không dấu, lại sai chính tả be bét…khiến tôi phải vừa đọc vừa đoán đến nổi đoá. Chưa kể, Nhóc lại thể hiện một chất giọng Quảng Nam đầy… đặc sản nữa mới ghê ! “Ăn cháo” thì ghi là “Ăn chố”, “phở” thành “phổ”, “không” thành “khang”…ôi thôi đến hoa cả mắt.

Mà chóng mặt thật. Có hôm đang chat với tôi ở nick “Trần gian thiếu gì kẻ bạc tình” thì từ đâu bỗng nhiên bắn ra thêm cùng lúc hai ba cái nick khác, nào là “Nhocbuon”, “Hoavienbactinh” rồi “Viemgiandoi”, “Ngoisaobuon”… đến nổ đom đóm ! Thật khủng khiếp, một mình Nhóc mà đang sở hữu đến…15 cái nick khác nhau và 2 blog ! Không chịu được tình trạng “tam tứ ca” như thế, tôi buộc phải đi đến thoả thuận với Nhóc: chỉ được “giao dịch” 1 nick duy nhất với tôi thôi, dù đó là nick “phụ tình” hay “hận đời” khỉ gió gì đi nữa !

Nhìn tên những cái nick và những tâm sự trên status, blast của Nhóc cũng có thể đoán định được rằng Nhóc đã từng trải qua những xáo động hoặc đổ vỡ trong tình yêu đầu đời.

16 tuổi, mới chỉ tốt nghiệp THCS thì Nhóc phải dở dang chuyện học vì gia cảnh quá khó khăn. Rời con đường đến trường, Nhóc nhận một chân trông coi tiệm net cho một người chị họ ở Hội An với tiền công 700.000 đồng/tháng.

Nghèo khó và trắc trở, nhưng Nhóc cũng đang ấp ủ một ước mơ, dù mơ ước ấy thật bình thường, giản dị: trở thành chuyên viên trang điểm. Và Nhóc đang ky cóp từng đồng tiền công nhỏ nhoi để thực hiện cho được giấc mơ đó. Tôi cũng hứa rằng nếu Nhóc vào Sài Gòn, tôi sẽ cố gắng thuyết phục các trường miễn giảm một phần học phí cho em. Nhưng với cơn lốc giả cả như hiện nay, chỉ e mơ ước ấy của Nhóc vẫn còn xa lắm mới đến được hiện thực.

(Tháng 11-2007)

ĐỜI CÔ TÔI

ecd3Cứ bị cuốn vào dòng trôi của cuộc sống nơi phương xa, mãi đến một hôm hội ngộ lớp bạn bè ấu thời, ước muốn tìm gặp lại cô giáo cũ trong tôi mới trỗi dậy mạnh mẽ.

Nhưng soi lại ký ức, lục tung hồ sơ, sổ sách liên quan… chúng tôi cũng chỉ biết chung chung quê cô ở Quảng Bình.

Cho đến một ngày thằng bạn giờ đã là bác sĩ bỗng hét toáng lên: “Tìm ra cô Tiu rồi, cô Phan Thị Tiu ở Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình…”.

——————————————————-

CHÙM VẢI THỜI ĐÓI NGHÈO

Gần 30 năm qua, mỗi lần chợt nhớ đến cô là hình ảnh chùm vải thiều lại hiện lên trong tâm trí tôi với một câu hỏi đeo đẳng. Giờ đây gặp lại cô, câu hỏi ấy dường như càng thôi thúc hơn: “Tại sao lúc ấy đói kém như thế, tại sao ở Quảng Trị không có vải mà cô lại có được chùm vải để minh họa cho bài học trên lớp?”.

Cô vẫn cười hiền lành: “Nói thật lúc ấy rất khó khăn, khó lắm, nhưng nghĩ mãi: chẳng lẽ học về trái vải mà HS chưa bao giờ thấy vải thì làm sao cảm nhận được. Thế là cô lấy ra vài đồng dành dụm gửi người đi chợ trong Huế mua về để bài giảng thêm sống động”.

Quả là chùm vải hôm ấy đối với lũ trẻ chúng tôi hết sức “trực quan sinh động”, nhờ thế mà những bài giảng của cô luôn có một sức hút kỳ lạ. Không những thế, cô còn dạy chúng tôi nhiều kỹ năng khác, từ may vá, thêu thùa, đơm nút… cho đến làm thơ! Những câu thơ thô vụng ngày nào như Lớp em là lớp 5A. Học hành tấn tới mới là trò ngoan đã nâng bước tâm hồn cho bao lớp bạn bè tôi, giúp họ biết sống đẹp trong và hồn hậu nơi chân trời góc bể.

Ngày ấy nghèo, rất nghèo nhưng cái tình thầy trò luôn thấm đẫm và gần gũi. Sau năm 1975, cha tôi mất, từ miền Nam trở về quê (Quảng Trị), mẹ tôi một nách bốn đứa con thơ trong bối cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn, gia đình tôi dường như túng bấn đến cùng cực.

Tôi một buổi chăn trâu, một buổi đến trường với bộ quần áo tận dụng từ vải bao cát, chiếc cặp táp chỉ đơn sơ là túi lác, vở viết qua một lần phải ngâm nước cơm phơi khô viết lại (thường bị nhòe nhoẹt), rồi mực viết cũng phải “chế biến” từ hạt mồng tơi… Cơm không đủ ăn, các anh em tôi phải thay nhau chăn trâu cho hợp tác xã mà vẫn cứ đói. Đói đến độ phải thường xuyên ăn cháo rau (các loại rau tập tàng ở vườn nhà, một ít khoai và chỉ nhúm gạo), khoai sắn, thậm chí phải ăn cả cám, gốc chuối, gốc đu đủ… thay cơm. Ngày nào chủ nợ cũng rậm rịch và eo éo đòi nợ bên hiên nhà.

Trong tình cảnh ấy, một đêm mẹ tôi ôm tôi vào lòng rưng rức: “Mẹ tiếc là đã không thực hiện được lời hứa với cha con lúc sinh thời. Đến nước này rồi, con phải nghỉ học để đỡ đần thêm với các anh chị, mẹ xót xa lắm…”. Đứa trẻ 9 tuổi chỉ biết gạt nước mắt từ bỏ giấc mơ trở thành kỹ sư, xa bạn bè, thầy cô… nhận lấy con trâu của hợp tác xã – chính thức trở thành mục đồng chuyên nghiệp để có thêm 4 ang lúa (khoảng 17 kg/ang) mỗi vụ.

Nhưng rồi một đêm khi biết chuyện, cô Tiu đã đến tận nhà tôi động viên, thuyết phục mẹ cho tôi trở lại trường. “Nếu không có gạo ăn, cô và giáo viên trong trường sẽ góp vào nuôi em, chị đừng lo…” – cô Tiu tự tin nói. Không đứng vững nổi trước lời thuyết phục tha thiết của cô, mẹ tôi không cầm được nước mắt, đành gật đầu. Riêng tôi vui sướng đến nghẹn ngào vì đã được trở lại trường lớp với thầy cô và bạn bè thân yêu của mình.

Tôi may mắn được học cô Tiu liên tục đến ba năm, từ lớp 3 đến lớp 5. Trong ký ức của mình tôi vẫn nhớ về ngôi trường nhỏ bé – nơi mà nhiều giáo viên, trong đó có cô – được lũ trẻ chúng tôi xem như một người mẹ thứ hai. Cô tỉ mẩn đơm lại từng chiếc nút bị đứt cho đứa này, cẩn thận dặn dò đứa kia nhớ mang áo ấm khi trời trở rét, lo lắng về đến tận nhà HS kèm cặp thêm mỗi khi có ai đó chưa hiểu bài…

Có lần đưa chúng tôi đi thi HS giỏi ở tận thị trấn huyện lỵ, cô trò cơm đùm cơm nắm đi bộ đến 12km, mệt đến rã rời. Biết vậy nên chốc chốc cô lại dừng chân lấy nước cho chúng tôi uống, động viên chúng tôi cố bước lên phía trước… Đêm trước ngày thi, cô trò phải vào nhà dân xin ngủ nhờ. Ba cô trò một giường và khi say giấc, bạn N. còn vô tư quờ tay sờ tí cô như vẫn quen với mẹ (!).

HÒN ĐÁ LĂN HOÀI, KHÔNG ĐÓNG RÊU…

Năm 1994, cô trở về quê sau đúng 20 năm đằng đẵng gắn bó với mảnh đất Quảng Trị. Về lại Hàm Ninh, Quảng Ninh (Quảng Bình) quê hương, cô vẫn tiếp tục đứng trên bục giảng, dù sau đó được cất nhắc lên hiệu phó Trường tiểu học số 1 Hàm Ninh.

“Hòn đá lăn hoài, hòn đá không đóng rêu”. Sau gần 30 năm gặp lại cô, câu ngạn ngữ ấy cứ khiến tôi day dứt, bùi ngùi… Ngày cô rời ngôi trường Hải Tân (Hải Lăng, Quảng Trị), nhiều cán bộ xã và người dân đã tiễn cô trong nước mắt. Người ta không khỏi xúc động vì cô đã để lại trọn tuổi thanh xuân cho mảnh đất này – một sự dâng hiến không chút đòi hỏi, đắn đo – và cả chạnh lòng cho nỗi chiếc bóng của thân phận.

“Hòn đá lăn hoài, hòn đá không đóng rêu”. Ra đi một bóng trở về một bóng. Phải khó khăn lắm tôi mới đặt được câu hỏi với cô về chuyện chồng con, vì vẫn không tin một nhan sắc mặn mà, một tính cách sôi nổi như cô thời trẻ lại phải chịu sự hẩm hiu của số phận. Cô cười mà ánh mắt xa xăm: “Có lẽ cái số cô nó thế…”.

CÓ BAO GIỜ CÔ ÂN HẬN VỚI CON ĐƯỜNG ĐÃ CHỌN?

– Không, cô chưa bao giờ có suy nghĩ ấy, ngay từ ngày đầu nhận quyết định đi B vào Nam. Nếu được lựa chọn lại, cô vẫn chọn nghề giáo…

Khi tôi tìm gặp được cô cũng là lúc cô chuẩn bị nhận quyết định nghỉ hưu. Cũng may, năm 1994 từ Quảng Trị trở về cô còn lận lưng được 9 triệu đồng nhờ tăng gia… nuôi heo miệt mài trong 20 năm ở đây. Số vốn ấy cùng với sự trợ giúp của họ hàng, người thân, cô đã xây được một ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất của người anh trai. Phía trong trang thờ, hàng chồng bằng khen, giấy khen cô vẫn còn cất giữ.

Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, trong đó có 25 năm là “chiến sĩ thi đua”, rồi nào là bằng khen dạy giỏi, bằng khen về công tác phổ cập giáo dục và cả bằng khen “giỏi việc nước, đảm việc nhà”! Và có lẽ quí giá nhất đối với cô vẫn là tấm Huân chương Kháng chiến hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng năm 1997, được treo trang trọng ở góc tường.

Đó là tất cả gia sản của một đời người dạy học.

Chia tay cô, đêm đã bắt đầu xuống nhanh. Nhìn ngôi nhà hai gian trống trải giữa vùng chiêm trũng mênh mang mà không khỏi ái ngại. Không hiểu cô sẽ sống ra sao với những năm tháng còn lại phải rời phấn trắng bảng đen vốn đã thành nghiệp, trong khi căn bệnh đại tràng 10 năm qua vẫn chưa buông tha cô?

Dẫu biết thời gian không bất biến, dẫu biết cái nghiệp cầm phấn vốn không so đọ thiệt hơn, được mất… nhưng sao vẫn thấy cay cay nơi khóe mắt khi chạnh nghĩ về nỗi quạnh quẽ, đơn côi khủng khiếp của một kiếp người.

________________________________________________________

– Tháng 10-1974, từ Quảng Bình, cô được điều động vào Quảng Trị giảng dạy ở vùng giải phóng theo chế độ đi B (dân chính). Năm 1975, cô chuyển vào Hải Tân, huyện Hải Lăng, Quảng Trị và dạy một lèo đến 20 năm.

– Sau giải phóng, đời sống người dân nói chung hết sức cơ cực, riêng miền Trung còn cơ cực hơn. Lương giáo viên tiểu học chỉ khoảng 40 đồng/tháng, trong đó có những năm như 1979-1980, giáo viên phải thường xuyên ăn bo bo, bột mì thay cơm. Đó cũng là thời kỳ mà trong khi không ít giáo viên đã phải “nhảy” sang ngành khác thì cô vẫn đều đều ba bữa bo bo đến lớp.

– Hơn 30 năm dạy học đối với cô, dường như chỉ có cho mà không hề nhận lại gì cho mình, nếu có cũng rất ít. Đó là nét đẹp nhân văn cao cả của nghề giáo và cũng là nỗi nghiệt ngã của nghề.

(Tháng 11-2007)

THÚY ĐÃ RA ĐI

Thế là 4 giờ 20 sáng ngày 2-11, Công dân trẻ TP.HCM Lê Thanh Thuý đã ra đi mãi mãi vì căn bệnh ung thư quái ác.

a576

Thế là câu chuyện cổ tích đã không xảy ra, phép màu đã không xuất hiện và thời gian đã không quay trở lại. Thuý ra đi khi mà “Ước mơ của Thuý”(chương trình chăm sóc và hỗ trợ các bệnh nhi ung thư) vẫn còn dang dở.

Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn và tôi tin, “ước mơ của Thuý” sẽ được tiếp nối bởi những bàn tay của nhiều bạn trẻ. Còn 1 giây sống, người ta vẫn còn ước mơ và nỗ lực để biến ước mơ ấy thành hiện thực.

Điều gì sẽ xảy ra, nếu cuộc sống này không có những ước mơ ? Chắc chắn, người ta sẽ tầm thường đi, lặng lẽ hơn, không có niềm tin và động lực sống. Cho dẫu chỉ là những mơ ước nhỏ nhặt, giản dị như tấm áo, chén cơm…thì cũng vẫn cần ước mơ. Chẳng thế mà cô bé 16 tuổi nghèo khó ở Hội An vẫn bộc bạch với tôi rằng cô luôn nuôi ước mơ trở thành một chuyên viên trang điểm giỏi. Và cô đang ky cóp những đồng tiền công nhỏ nhoi để kéo ước mơ gần hơn với tầm tay mình. Mong cho ước mơ lương thiện và chính đáng ấy của cô bé sớm thành hiện thực.

Chỉ còn hơn hai tháng nữa là Lê Thanh Thuý tròn 20 tuổi-độ tuổi nhiều ước mơ và tươi đẹp nhất của một đời người. Vẫn biết không thể cưỡng được số phận, vẫn biết sống chết vốn mong manh, nhưng sao vẫn thấy tiêng tiếc và nghèn nghẹn trong lòng. Chỉ mong ước mơ mà cô bé để lại sẽ được nhiều bàn tay nhận lãnh và viết tiếp thành những câu chuyện đẹp, để cuộc đời này vơi bớt những nỗi đau.

(Tháng 11-2007)