SỢ HƠN CẢ CÚM!

 

Ngất xỉu vì học!

Ngất xỉu vì học!

Trong khi cả thế giới đang rầm rộ phát sốt về dịch cúm của em lợn , họ lo rằng sẽ ” sống nay chết mai ‘ , khẩu trang ùn ùn được sản xuất , mọi hoạt động đều được kiểm dịch kỹ càng vì em vi khuẩn cúm lợn rất có thể đang tung tăng bay nhảy đâu đó trong không khí mà mắt bình thường rất khó để nhìn thấy em ấy .

 

 Thế nhưng , em thì ngồi đây , trong lớp học này , đang hô hào mong em ấy ghé thăm trường em , dầu chỉ là 1 giây thôi cũng được . Viễn cảnh một cơn gió khẽ vô tình đẩy đưa em vi khuẩn vào dự giờ lớp em cứ lặp đi lặp lại . Vì chỉ khi nó đến em sẽ được ….tạm dừng việc học . Em sẽ có vài ngày không sách không vở, không giáo viên không bài tập , không dậy sớm không đến trường , không kiểm tra, không báo điểm ,….rất nhiều cái “không” mà chỉ trong mơ mới có . Tất nhiên cuộc sống lại không như mơ vì thế mà ước mơ của em khó có ngày trở thành sự thật , quả là đáng buồn !

“Sự thật phũ phàng ” nhưng nó không có quyền ngăn em được mơ ước. Nếu một ngày thường nhật em tỉnh giấc lúc 5h, đến trường lúc 6h30 rồi vùi đầu sách vở đến 16h5 tại trường , sau nữa thì học thêm tăng cường Toán, Lý, Hóa từ 18h30 đến 20h30 ,khuya về  đến nhà  mài giũa , luyện công với núi bài tập đến 22h , thì chính em ” cúm lợn ” sẽ như một “cô tiên” xóa bỏ bao cực hình mà em hằng mơ ước nó sẽ biến mất .

 Ôi cúm lợn ! Em yêu cúm lợn . cúm lợn hãy đến đây , đến đây nào ! Đừng vòng vo nơi nào ngoài ô cửa sổ !

          

                                ——————————————————-

 

            Trên đây là toàn văn e-mail gởi đến tòa soạn Tuổi Trẻ của một học sinh có cái nick name vừa teen vừa rất lạ: khi_yeu_can_phai_kiss.  Lá thư bộc bạch một ước muốn khá tiêu cực, nhưng hoàn toàn phản ánh chính xác tâm trạng chung của một bộ phận không nhỏ học sinh ngày nay về nỗi ám ảnh học hành.

            Vâng, không khó để nhận ra những hành vi phản ứng khác nhau của con trẻ trước cánh cổng nhà trường. Không thiếu những đứa bé được cha mẹ dắt tay đến tận nơi chốn được xem là “môi trường học thân thiện” mà cứ giãy nảy khóc thét lên như đụng phải lửa. Và đâu đó ta cũng hoàn toàn có thể bắt gặp những cô cậu học trò mặt mày đờ đẫn, phờ phạc vì gánh nặng học hành, vì sự quá tải của chương trình và cả vì sự kỳ vọng của mẹ cha!

            Làm sao để câu khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” đi vào thực tế khi mà sự học đang là nỗi khiếp sợ thường trực của không ít học sinh ? Làm sao để chủ trương xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trở thành hiện thực nếu nhà trường vẫn tiếp tục là nơi chốn ám ảnh bao giấc mơ học trò?

            Đó mới chính là câu hỏi đáng lo ngại đối với người lớn và những người có trách nhiệm của ngành giáo dục cho cả tiền đồ của dân tộc này!

           

 

Advertisement

SỨC NẶNG TRÁCH NHIỆM

912e

Cách đây vài hôm, lãnh đạo Vụ giáo dục tiểu học(Bộ GD-ĐT) lại thân chinh trực tiếp đi cân cặp học sinh tại các trường tiểu học ở Hà Nội. Và kết quả vẫn tương tự như lần cân cặp cách đây 4 năm cũng do chính lãnh đạo Vụ giáo dục tiểu học thực hiện: hầu hết chiếc cặp đều có trọng lượng trên 4 kg, có trường cặp còn nặng đến 4,8 kg !

Trọng lượng của những chiếc cặp lặc lè ấy là minh hoạ sống động cho một nội dung chương trình nặng nề và quá tải mà mỗi ngày học sinh phải gồng mình chịu nhồi nhét. Sức nặng của chiếc cặp cũng đang là nỗi ái ngại và âu lo của từng gia đình khi mỗi sớm mai thức dậy phải chuẩn bị “hành trang” cho con đến trường. Bên cạnh sách giáo khoa, mỗi môn học lại có thêm vở bài tập, rồi sổ nhật ký, sổ liên lạc, vở dặn dò, đồ dùng học tập…và nhiều món “thiết yếu” khác đi kèm với trẻ. Nhưng không chỉ ở bậc tiểu học, học sinh THCS và cả THPT cũng phải oằn mình trước sức nặng của học hành.

Nhìn con trẻ gồng gánh trên vai trọng lượng ấy mỗi ngày, những bậc cha mẹ giờ đây chỉ biết thở dài, ngao ngán !

Như vậy là một lần nữa trọng lượng của chiếc cặp lại khiến người ta phải giật mình kinh ngạc và không khỏi thương xót cho học sinh. Tại sao qua bao nhiêu cuộc cải tiến và đổi mới triền miên, nội dung chương trình vẫn cứ nặng ? Đáng kinh ngạc hơn, tại sao sau 4 năm đi cân cặp, trọng lượng chiếc cặp vẫn nặng như trước, thậm chí còn nặng hơn ?

Có bao giờ những quan chức của ngành giáo dục thử đặt lên bàn cân xem sức nặng của trách nhiệm đã để thực trạng ấy diễn ra trong một thời gian dài, như từng cân sức nặng của chiếc cặp mà học sinh phải mang vác mỗi ngày ?

Càng để thực trạng ấy kéo dài, không chỉ là có tội với con trẻ mà còn có tội đối với cả tiền đồ phát triển của nền giáo dục nước nhà.

(Tháng 11-2007)

LẠI BÀN VỀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC

dua

Nhà văn Nguyên Ngọc vừa có một bài viết bàn về triết lý giáo dục Việt Nam. Chuyện thật ra không mới, đã được đề cập đến rất nhiều lần, nhưng tôi vẫn thấy tâm đắc bởi sự thẳng thắn và tâm huyết của tấm lòng nhà văn.

Xin post lên để các bạn cùng xem.

—————————————————

Mấy hôm nay bổng lại thấy xôn xao lên chuyện triết lý giáo dục. Có lẽ là vì vừa có cái hội thảo về chuyện triết lý giáo dục do một cơ quan nào đó của Bộ GDĐT tổ chức, mà quả thật nếu không có một bài báo tường thuật lại khá sơ sài thì chẳng ai biết nó diễn ra ở đâu, vì sao, để làm gì. Và thú thật đọc bài tường thuật ấy rồi, không biết các bậc uyên bác thấy sao, riêng tôi vẫn không sao hiểu được vậy thì cái gọi là triết lý giáo dục là gì, thậm chí càng thấy rối mù thêm. Cách đây mấy tháng, cũng có lần trong một bài nói dài về nhiều chuyện khác, ông bộ trưởng bộ GDĐT có nêu lên 5 điểm gọi là triết lý giáo dục. Đọc xong, thú thật tôi (và theo chỗ tôi biết) nhiều người nữa đều rất ngạc nhiên. Ví dụ điểm đầu tiên trong triết lý đó là đảm bảo cho các danh vị giáo sư, phó sư, tiến sĩ … phải cho thật đúng … Vậy đấy là triết lý giáo dục đó ư? Hèn gì nền giáo dục của ta nó ra như thế này là phải quá rồi!

Đúng ra bàn về triết lý giáo dục hiện nay (chứ không phải triết lý giáo dục muôn đời, hay truyền thống, như nhiều vị trong cuộc hội thảo được tường thuật vừa rồi đã kể lại dông dài) chẳng phải là chuyện mới. Ít ra trong Diễn đàn giáo dục do giáo sư Hoàng Tuỵ khởi xướng cách đây 5 năm vấn đề này đã được nói đến rất nghiêm túc, khá sâu sắc, và được coi nguồn gốc của mọi sai lầm đang diễn ra trong nền giáo dục của chúng ta mà chúng ta đang bức xúc bàn thảo hiện nay. Mọi sai lầm cụ thể hiện nay đều trong bắt nguồn từ một triết lý giáo dục sai. Sai về căn bản. Đó là nguyên nhân gốc của mọi chuyện, từ đó dẫn đến điều mà giáo sư Hoàng Tuỵ đã nghiêm khắc chỉ ra: chúng ta không chỉ đang lạc hậu, mà đang lạc hướng! Lạc hướng chính là lạc hướng về triết lý giáo dục.

Tất nhiên đây là vấn đề rất lớn, không thể chỉ nói trong mấy câu, trong một vài cuộc là xong; và nếu sắp đến chúng ta có thật sự muốn thay đổi (hay như cách nói của nhiều người tâm huyết và có uy tín lớn: muốn thay đổi có tính cách mạng) trong giáo dục, thì chính là phải bắt đầu từ đây. Không thay đổi triệt để, không “cách mạng” từ đây thì mọi sửa đổi sẽ chỉ là chắp vá, thậm chí càng gây thêm rối ren, càng lạc hướng đi xa hơn …

Tuy nhiên, để bắt đầu, cũng có thể nói một cách ngắn gọn: Chúng ta tiến hành nền giáo dục này để làm gì? Để nhằm tạo ra những con người như thế nào? Suốt nhiều chục năm, chúng ta đã tập trung toàn lực, cao độ, nhằm đào tạo ra con người biết vâng lời, thuộc lòng một số chân lý có sẵn, được xác định một cách tiên thiên ở đâu đó và từ đó người được học suốt đời cứ thế mà làm theo cho đúng. Chúng ta tin rằng làm được như vậy thì sẽ có được một xã hội hoàn toàn thống nhất, tạo nên sức mạnh của một sự thống nhất tuyệt đối.

Vấn đề bây giờ là có dám, có quyết phá vỡ cái triết lý đó đi không. Thiết lập lại một nền giáo dục khác hẳn, ngược lại, nhằm tạo nên những con người tự do, dám và biết tự mình đi tìm lấy chân lý, và sống và làm việc theo chân lý mình đã chọn, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy. Sự thống nhất của xã hội sẽ là sự thống nhất của những con người tự do, đầy trách nhiệm với chính mình và với xã hội, đầy tự chủ và sáng tạo.

Người ta thường bảo sống chính là lựa chọn. Một nền giáo dục lành mạnh là nền giáo dục giúp cho con người giàu khả năng lựa chọn, mạnh mẽ ý chí tự mình lựa chọn, dám hành động theo lựa chọn của mình, chịu trách nhiệm sâu sắc về lựa chọn đó.

Bắt đầu từ triết lý cơ bản này mà đi đến gải quyết mọi vấn đề cụ thể khác, về hiện đại hóa nội dung, chương trình, phương pháp, tổ chức, điều hành … cho đến cả chuyện tiêu tiền nong của nhân dân đóng thuế, bao nhiêu dự án ồn ào khác, v.v…, cho cả hệ thống…

Tôi nghĩ nếu vì lý do gì đó mà chúng ta tránh né vấn đề gốc này, thì tất cả những bàn cãi về cái gọi là triết lý giáo dục, và từ đó cả mọi việc cụ thể khác nữa, dù có được diễn đạt bằng những ngôn từ cao sang đến đâu cũng sẽ là vô nghĩa. Và chắc những người đứng đắn và thật sự tâm huyết chẳng muốn vào cuộc làm gì.

Nhà văn Nguyên Ngọc

Tháng 10-2007

NGƯỜI MIỀN TRUNG

3736

Cơn lũ lịch sử vừa qua đã cướp đi sinh mệnh của 38 con người tại hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Cái dải đất miền Trung nhỏ hẹp cứ phải triền miên hứng chịu thiên tai địch hoạ, hết cơn bão này đến trận lũ khác đi qua. Và, sau thiên tai là nghèo đói- nghèo đói như một hệ quả tất yếu ở xứ sở này.

Nghèo khó hiện diện khắp nơi, từ luống khoai, bờ tre đến bến nước, sân đình…Nghèo đói cứ đuổi theo dáng đi liêu xiêu của bao chị, bao mẹ và hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ của từng người ông, người cha. Nghèo khó còn phảng phất qua từng luống cày, qua ngút ngàn cát trắng, sỏi đá khô cằn và nắng gió rát bỏng.

Trong bối cảnh ấy, sự học ở mảnh đất này đã trở thành cứu cánh duy nhất. Học được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác như một lẽ sống, một đạo lý, thậm chí còn được chuyên môn hoá cao hơn: học như một cái nghề !

Sự học được khắc sâu vào tâm thức của mỗi người từ tấm bé, thể hiện mạnh mẽ bằng ý chí qua từng bức hoành phi, câu đại tự giữa gian thờ. Chính nhờ thế mà nhiều làng học đã được hình thành, rỡ ràng sở học và rạng danh bao đời. Đạo học còn được nhắc nhớ và cam kết giữa người với người trong cộng đồng, được ràng buộc chặt chẽ qua nghĩa vợ chồng đến đầu bạc răng long: có chết đói cũng phải cho con cái học hành đến nơi đến chốn !

Tất nhiên, chọn con đường ấy, sống chết với đạo lý ấy cũng là nhằm đạt đến cái đích cuối cùng: học để giải cứu đời mình, giải cứu gia đình mình khỏi kiếp đói nghèo, phận lam lũ…

Vâng, cho dù trong hoàn cảnh nào cũng nên gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học ấy, cho hôm nay và muôn đời sau.

Có đúng thế không, những người miền Trung ơi ?

(Tháng 8-2007)

MỘT ĐỜI THANH LIÊM

c890

 

LTG: Nhà báo mà được viết báo đã là rất hạnh phúc. Viết báo mà được thưởng nữa thì càng hạnh phúc vô cùng. Bài viết này vừa đoạt giải nhì giải báo chí viết về điển hình người tốt việc tốt Hội Nhà báo TP.HCM( và vui nữa là được 2 “chai” đãi bạn bè-hehe). Xin post lên để mọi người đọc và chia sẻ…

MỘT ĐỜI THANH LIÊM

· – Người thư ký ngày trước của ông khẳng định chắc nịch rằng: “Nếu có một danh hiệu cao nhất nào dành cho thầy, chắc chắn không một ai phản đối”.

· – Đã có một đôi bài viết về ông, nhưng dường như không có bút mực nào có thể lột tả đầy đủ con người ông, từ cuộc sống, nhân cách đến công trạng, đức độ…, kể cả bài viết này.

· –Cả đời, ông đã sống đúng như cái tên của mình: Nhà giáo nhân dân, PGS.TS Dương Thanh Liêm.

DẪU LÌA NGÓ Ý CÒN VƯƠNG TƠ LÒNG

Bây giờ ông đã nghỉ hưu được 3 năm, song đó chỉ là một khái niệm có tính ước lệ. Người ta vẫn thấy ông tất tả lên lớp cho các khoá sinh viên chăn nuôi-thú y và cả học viên cao học Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Trưa thứ bảy, lại thấy ông quày quả nhảy xe buýt từ Thủ Đức lên Sài Gòn giảng dạy cho sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên(ĐH Quốc gia TP.HCM).

Thời gian còn lại trong ngày ông vẫn làm bạn với chiếc máy tính trong căn phòng nhỏ ở bộ môn dinh dưỡng. Ông cười hồn hậu:” Nghỉ hưu rồi, nhưng mình được ưu ái lắm đấy. Bộ môn dành cho căn phòng này để làm việc đến suốt đời”. Trong cái không gian nhỏ hẹp ấy, ông vẫn lặng lẽ một mình cặm cụi tìm kiếm tư liệu, thông tin trên mạng để soạn thảo, cập nhật các giáo án điện tử. Cho đến nay, cả ba giáo án độc chất học, sinh lý dinh dưỡng và dinh dưỡng người đều được ông thiết kế với công cụ Powerpoint đầy sống động. Mỗi lần lên lớp là ông lại mang vác lỉnh kỉnh nào là máy tính, máy chiếu, rồi dây nhợ… và vì thế mà cái biệt danh “Ông già hiện đại” đã xuất hiện từ đó. ”Cực một chút nhưng sinh viên rất hứng thú với bài học. Mình già rồi, niềm vui duy nhất là được đi dạy, được đến với sinh viên nên nhiều lúc cũng không thấy mệt”-ông tâm sự.

Nỗi khát khao được đứng mãi với bục giảng ấy cháy bỏng đến mức, ngay sau khi nghỉ hưu đã có không ít công ty nước ngoài mời ông về làm việc với đồng lương hết sức hấp dẫn, nhưng ông vẫn một mực khước từ. Cứ thế, sau những giờ lên lớp, những buổi tư vấn kỹ thuật cho nông dân…người ta lại thấy ông miệt mài bên chiếc máy tính thu lượm kiến thức, bổ sung, chăm chút cho các giáo án điện tử của mình. Và, những nỗ lực của ông, những công cụ “điện tử” ấy cũng đã tạo được sức hút đối với sinh viên. Sinh viên, rồi học viên cao học đều tìm đến ông xin những giáo án điện tử ấy về học, thậm chí sinh viên đến tay không, ông còn tặng luôn cho cả đĩa CD.

Không ngừng nghỉ, vẫn hăm hở và đam mê như cái thuở ông mới bước chân vào Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội 45 năm trước. Suốt những năm tháng ở giảng đường ĐH, ông đều đạt điểm tuyệt đối ở tất cả các môn(gần 50 môn học) cho đên khi tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa. Với thành tích học tập sáng chói và hiếm thấy như thế, Trung ương Đoàn đã phát động hẳn một phong trào học tập theo gương Dương Thanh Liêm trong giới trẻ, đồng thời bản thân chàng sinh viên nam bộ này cũng được đi báo cáo điển hình tại nhiều trường ĐH lúc bấy giờ. Có lẽ vì thế mà chỉ sau hơn hai năm tốt nghiệp, ông đã được cử sang làm nghiên cứu sinh tại Hunggary với đề tài về thức ăn cho gà công nghiệp.

Sau ngày miền Nam được giải phóng, trở vào công tác tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM và suối nguồn đam mê nghề nghiệp vẫn tiếp nối chảy mãi như không hề dứt đối với ông. Trong số những công trình, đề tài có giá trị, người ta vẫn thường nhắc đến tên tuổi ông gắn liền với công trình “bột cỏ” làm thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm mà nhờ đó gia súc không thiếu sinh tố A, kháng bệnh tốt và đặc biệt, lòng đỏ trứng gà trở nên có màu vàng đẹp. Đó là chưa kể, hai công trình nghiên cứu khác là “Hợp chất I ốt hữa cơ kích thích gia súc tiết sữa, gia cầm đẻ trứng” và “Nuôi dê sữa theo lối công nghiệp” hiện vẫn được ứng dụng ở nhiều nơi. Chính vì thế mà tên tuổi của ông giờ đây đã không còn xa lạ với giới chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc khắp vùng Đông Nam bộ, thậm chí có nơi người ta còn xem ông như “ông tổ” của lĩnh vực này !

HƠN CẢ NỖI ĐAU !

Cống hiến không ít, sống nhân hậu, khoan dung và lành đến độ không làm phật ý một ai. Thế nhưng trong cuộc sống riêng tư, số phận lại đẩy ông dường như đến giới hạn tận cùng của nỗi đau và bất hạnh. Chỉ sau ba tháng sinh hạ đứa con trai cho ông, người vợ mà ông hết mực thương yêu bỗng nhiên phát bệnh. Căn bệnh tâm thần quái ác của vợ đã khiến cho cuộc sống của ông lâm vào thế khốn quẫn về cả vật chất lẫn tinh thần. Cứ sau giờ lên lớp, sinh viên lại thấy ông tất tả trở về nhà lo chợ búa, nấu cơm, giặt giũ, chăm sóc con nhỏ và thuốc thang cho vợ…

Thật lạ, cứ mỗi lần bị kích động lên cơn là bà lại hung hăng nhắm chỉ mình ông mà rượt đuổi. Những khi như thế, người đàn ông bất hạnh chỉ biết lánh đi nơi khác cho đến khi cơn cuồng nộ dịu đi nơi người vợ. Một đôi lần ông đã tìm đến rượu như một phương cách để giải thoát mình khỏi nỗi buồn đau, trước khi trở về nhà. Và cũng thật lạ, “cứ mỗi lần tôi say là hình như bà lại tỉnh, lại biết chăm sóc, thay quần áo, chuẩn bị giường gối cho tôi ngủ…”-ông trầm ngâm trong nỗi cay đắng.

Nhưng, “hoạ vô đơn chí”. Nỗi đau tiếp nối nỗi đau và hơn cả nỗi đau. Năm 1990, đứa con trai duy nhất của ông khi ấy đã 13 tuổi, trong một lần theo bạn bè ra hồ nước cạnh trường tắm đã bị chết đuối, vĩnh viễn không về với ông nữa. Nỗi đau lớn đến độ, một người hoạt bát và nghị lực như ông cũng trở nên câm nín. Mãi 4 năm sau đó, trong một lần tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi khảo sát thực địa vùng đất xây dựng ĐH Quốc gia TP.HCM, người ta đã thấy ông nán lại một mình rất lâu khi đi ngang qua khu vực hồ nước ác nghiệt ấy. Ông nói mà ánh mắt cứ xa xăm: “Cái gì quí nhất thì lại mất. Suốt 3,4 năm trời tôi không làm được gì cả, người cứ bần thần, lờ đờ như kẻ vô hồn…”. Anh Phan Văn Nam, một cựu sinh viên của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM nhớ lại:” Cả một quãng thời gian dài, những bài giảng của thầy lúc nào cũng ẩn chứa một nỗi buồn vô tận, buồn từ gương mặt, đôi mắt, buồn từ giọng nói, từ câu chữ buồn ra…Nhiều lúc chúng tôi thấy thương cho thầy quá, chỉ biết giận ông trời rằng sao thầy “ở hiên” như thế mà chẳng “gặp lành” chút nào !”

Vâng, ông ở hiền và liêm khiết đến mức không cần bàn cãi. Ngay cả khi đã là Hiệu trưởng Trường ĐH nông lâm TP.HCM (1994-1998), người ta vẫn thấy ông ngày hai buổi đến trường với chiếc Honda DAM cà tang, cũ nát. Có người vì thể diện ngôi trường, không chịu được đã gặp trực tiếp ông mà xắng xả:”Thầy đi chiếc xe như thế là bôi bác nhà trường đó, thầy biết không !”. “Nhưng tính tôi nó thế. Tôi thấy không cần thiết đi xe mới, xe xịn nên thôi.”-Ông phân bua.

Không hề kiểu cách, mà tính cách của ông vốn vẫn thế. Từ khi về công tác tại ĐH Nông lâm(1976) đến nay, ông và gia đình vẫn sống trong căn nhà tập thể cấp 4 ọp ẹp, nóng thấp của trường. Có người từng đặt câu hỏi: lúc làm hiệu trưởng, một ngôi nhà cho riêng mình có lẽ không khó đối với thầy ? Ông bộc bạch:”Dễ có người, chứ tôi thấy điều đó là khó. Hơn nữa, tôi không thích vun vén cho riêng tư, nhiều người cũng ở nhà như mình mà…”

Có lẽ đó mới là con người ông, là lẽ sống của ông. Dẫu sao chia tay ông, tôi vẫn cứ suy nghĩ miên man về cái triết lý nhân sinh trăm năm phải trải. Đời người ai cũng có được có mất, nhưng cuộc đời, số phận dường như vẫn quá bất công đối với ông-bất công đến cay nghiệt !

 

Nhà giáo Dương Thanh Liêm sinh năm 1938 tại xã Thuận Điền, huyện Giong Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 1955 ông tập kết ra Bắc và học tại Trường Học sinh miền Nam, trước khi vào Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội.

– Năm 1974, ông bảo vệ thành công luận án PTS tại Hunggary, năm 1976 vào công tác tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM . Năm 2004, ông đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

(Tháng 11-2006)

EM HAY TÔI?

Cách xưng hô dường như không phải là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo.

Cách xưng hô dường như không phải là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo.

Thật trùng hợp, trong những ngày khai giảng tháng 9 người ta lại bàn nhiều về cách xưng hô ở giảng đường đại học, nhất là khi Trường ĐH tư thục Hoa Sen đã tổ chức hẳn một cuộc hội thảo về vấn đề này.

 

Theo nhiều ý kiến, cách xưng hô truyền thống với cặp đại từ con/em-thầy/cô đã lỗi thời, không phù hợp và vì vậy nó không thiết lập được tư thế bình đẳng giữa thầy và trò-một yếu tố quan trọng để đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc học này. Và Trường ĐH Phan Châu Trinh là một trong những nơi khởi xướng đầu tiên về cách xưng hô mới: tôi/thầy. Với cách xưng hô này, theo nhà văn Nguyên Ngọc-thành viên hội đồng sáng lập trường, phải coi sinh viên là người lớn, người trưởng thành để cùng thầy tìm hiểu chân lý, tìm hiểu sự thật.

Nhưng, có phải “không giải quyết được vấn đề xưng hô sẽ không giải quyết được vấn đề phương pháp giảng dạy”?

Đổi mới phương pháp giảng dạy phải xuất phát từ nhiều yếu tố: nội dung chương trình, điều kiện cơ sở vật chất, kiến thức, bản lĩnh và nghệ thuật truyền đạt của người thầy. Chính vì vậy, tôi hoàn toàn không tin rằng hễ cho phép sinh viên xưng “tôi” với thầy thì sẽ giúp họ tự tin, tạo lập được tư thế học thuật bình đẳng và có tinh thần độc lập suy nghĩ.

Vấn đề của đại học VN hiện nay đó là sự tụt hậu quá xa về triết lý chủ đạo, về năng lực của đội ngũ giảng viên, về giáo trình, hệ thống đánh giá-đo lường, kiến thức truyền thụ và cố nhiên, cả về phương pháp giảng dạy…chứ không đơn thuần chỉ là cách xưng hô.

Hơn thế, đề cập đến cách xưng hô dù muốn hay không muốn cũng đang “đột kích” vào tường thành của cả nền văn hóa dân tộc, đạo lý thầy trò và tình cảm tự nhiên của người học. Có lẽ vì vậy mà TS Huỳnh Như Phương vẫn khẳng định: “Một hôm nào đó, cơ quản quản lý của tôi có ra chỉ thị yêu cầu ở đại học mọi người không được xưng “em” mà phải xưng “tôi” cho có tư thế thì tôi cũng xin được phép không chấp hành. Tôi vẫn giữ cách xưng “em” với những thầy giáo cũ của tôi dù bây giờ họ đang là đồng nghiệp ở cùng cơ quan, như bao lâu nay vẫn thế”.

Tôi cũng vậy. Tôi cũng không thể xưng “tôi” với những người thầy của mình, bởi đơn giản như thế nghe thật ngỗ ngược và ngượng nghịu. Giả như một hồm nào đó, có người học trò giờ đang nắm giữ quyền cao chức trọng về thăm thầy cũ mà thưa rằng “Thưa thầy, con là Tí ngày xưa đây ạ…” nghe vẫn thân thương và ấm lòng hơn là: “Thầy à, tôi là Bộ trưởng X, ngày xưa tôi là học trò của thầy đây!”-phải không các bạn?

NGƯỜI CHỐNG TIÊU CỰC CÔ ĐƠN

Thầy giáo Khoa.

Thầy giáo Khoa.

Nhìn ánh mắt rưng rưng của “Người đương thời” Đỗ Việt Khoa trên VTV1 khi bộc bạch về thân phận của mình mà không khỏi chạnh lòng. Những khuôn hình ngắn ngủi khép lại để rồi mở ra cho người xem một câu hỏi nhức nhối: lẽ nào kết cục của một người hăng hái chống tiêu cực là thế sao?

 

Tháng 6-2006, thầy giáo Đỗ Việt Khoa bỗng nổi lên như một người anh hùng khi đã công khai tố cáo tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hội đồng thi Phú Xuyên A, Hà Tây. Người ta xuýt xoa, người ta ngưỡng mộ vì lần đầu tiên có một giáo viên dám lên tiếng vạch trần những gian dối trong thi cử tại nơi mà thầy đang trực tiếp thực thi nhiệm vụ của một giám thị.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trực tiếp đến thăm và tặng bằng khen cho người anh hùng. Cả nước xôn xao, ngưỡng vọng về một thầy giáo mang tên Đỗ Việt Khoa. Hàng trăm bài viết xuất hiện tràn ngập trên các báo. Nhiều trường THPT đánh tiếng mời thầy về giảng dạy. Một cuộc vận động “Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử” cũng được rầm rộ mở ra từ sự kiện này…

Nhưng rồi, những phút giây chói lọi của vinh quanh đời người cũng chóng vánh qua đi. Người đương thời hết phen này với bận nọ phải đương đầu với bao đe nẹt, hiểm nguy; bị hành xử phũ phàng; thậm chí bị cướp đoạt, xúc phạm thân thể… Đã không ít lần thầy giáo Đỗ Việt Khoa phải gửi thư kêu cứu các cơ quan báo chí. Đã có đến 3 lần giám thị chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa bị lập biên bản khi đang làm nhiệm vụ tại hội đồng thi, trong đó có những lý do hết sức…trời ơi như đánh số báo danh sai, ký nhầm vào giấy thi hay đi vệ sinh nhiều lần (!). Chưa hết, mới đây thầy giáo này còn bị một nhóm người, trong đó có cả hai bảo vệ của chính trường mình đang giảng dạy hành hung, cướp máy ảnh!

Những đòn dằn mặt, hành xử không đẹp ấy có thể cũng đau đớn-cái đau đớn của thói đời ngang trái, của thế thái nhân tình lúc sa cơ yếu thế…Song, cay đắng hơn cả, nghiệt ngã hơn cả vẫn là sự cô độc đến nhói lòng của một con người ngay với chính đồng loại của mình. “Không học sinh nào đến gần tôi, tôi ngồi ở đâu là lập tức các giáo viên đứng dậy bỏ đi cả…”, thầy giáo Khoa tâm sự. Điều này cũng lý giải vì sao khi lấy phiếu tín nhiệm ứng cử đại biểu Quốc hội tại ngôi trường mà mình đang giảng dạy, thầy giáo Khoa nhận được một tỉ lệ ủng hộ không khỏi ngỡ ngàng: o%. Một sự thật kỳ lạ và phũ phàng! Cô đơn đến thế là cùng, bị ruồng rẫy và xa lánh đến thế là cùng!

Tất nhiên là một con người nhiều cá tính, thầy giáo Khoa lắm khi vẫn muốn thể hiện và khẳng định mình bằng những việc làm mà người ta cho là trái khoáy, lạ lẫm. Nhưng đó không phải là một thứ tội mà con người, lại là người được tiếng chính trực phải gánh chịu. Vâng, không có nỗi sợ hãi nào lớn bằng sự cô đơn, đến khắc khoải của kiếp người. Và chính vì vậy mà trong trường hợp cụ thể của thầy Đỗ Việt Khoa, người ta không khỏi tự hỏi: phải chăng đó là hậu quả, là sự trừng phạt tất yếu mà một người sốt sắng chống tiêu cực phải nhận lãnh?

AI CẦN TƯ VẤN?

Các học sinh đặc câu hỏi với các giảng viên trường đại học.

Các học sinh đặc câu hỏi với các giảng viên trường đại học.

Hôm rồi, đi tổ chức tư vấn tuyển sinh ở Lộc Ninh (Bình Phước) – mảnh đất mà mình đã có một thời gian dài sống và học tập với biết bao kỷ niệm khó quên. Gặp lại thầy cũ, trường lớp cũ để rồi không khỏi bồi hồi nhớ lại một thời áo trắng đầy khốn khó và gian truân.

Ngày ấy, tôi và một người bạn vẫn phải mỗi ngày luân phiên thồ nhau vượt hơn 8 km đến trường trên con ngựa sắt thô cũ. Con đường lúc ấy chưa được tráng nhựa phẳng phiu như bây giờ, nắng bụi mưa lầy và vì thế mà chiếc xe đạp cũng được thiết kế rất đặc biệt: sườn bằng ống nước dày, niền rộng và căm cứng như căm xe Honda. Chưa hết, chiếc xe ấy còn có đặc điểm “3 không” tuyệt đối: không thắng, không vè và không cả cạc-te!

Phải “3 không” như thế vì vào mùa mưa không một loại xe thô sơ nào có thể nhích đi được với thứ đất đỏ nhão nhoét và bám dính lấy vỏ xe như đĩa ở vùng này. Cứ đi một đoạn là phải dừng lại, một đứa giữ xe còn đứa còn lại phải dùng que cạy nạo đất dính trên vỏ xe mới có thể đi tiếp. Cứ thế, hết dính đến trơn trượt. Hai đứa đến được trường học cũng phải mấy phen…vồ ếch, mặt mày và quần áo lắm lem sình đất đỏ au như khỉ cháy. Một lần tan trường, hai đứa đang bon bon đổ dốc thì gặp trời mưa, đường bắt đầu trơn và…vèo! Hậu quả là tôi văng một nơi, còn nó và chiếc xe lao xuống hào nước sâu bên đường, ngập ngụa bùn sình, cỏ lác. Hú vía, may mà hai đứa chỉ bị trầy xước nhẹ, trong khi chú ngựa sắt nặng trịch vẫn vô tư, không chút suy suyển!

Khó nhọc là thế nhưng suốt 3 năm học THPT, chưa bao giờ chúng tôi phải nghỉ học vì chuyện đường sá trắc trở. Đó là chưa kể, điều kiện học tập, sách vở cũng hết sức thiếu thốn và hạn chế. Ngôi trường cấp III duy nhất của huyện miền núi biên giới lúc ấy chỉ có hai dãy phòng học cấp 4, không có phòng thí nghiệm, không có thư viện và cũng chỉ có 1 lớp 12 duy nhất. Năm cuối cấp chuẩn bị thi tốt nghiệp và thi đại học, chúng tôi cũng chỉ biết tự tìm hiểu ngành nghề qua các anh chị đi trước, vì không có Internet, không có ai hướng nghiệp và cũng không có lấy một tài liệu, sách báo nào về tuyển sinh.

Còn bây giờ thì sao? Điều kiện, phương tiện học tập thuận lợi, thí sinh được gia đình và cả xã hội quan tâm hướng nghiệp; sách báo, thông tin về tuyển sinh thì tràn ngập, ê hề. Thí sinh được xe đưa đón đến tận nơi để các thầy tư vấn cho về ngành nghề dự định theo học, được tặng tài liệu làm quen với hình thức thi trắc nghiệm, được chỉ dẫn đến từng chi tiết cách thức ghi hồ sơ đăng ký dự thi, thậm chí còn được hướng dẫn cho cả nơi ăn chốn ở trong những ngày lai kinh ứng thí. Thế nhưng, trong khi nhiều thí sinh đang chăm chú lắng nghe tư vấn bên trong hội trường thì bên ngoài vẫn có không ít người lại lơ đễnh, không mấy tha thiết với thông tin này, đến và đi hờ hững đến chạnh lòng. Nhìn thấy cảnh huống đó, chị bạn đồng nghiệp đi cùng cứ lắc đầu, chép miệng: “Mấy đứa này mà thi đậu đại học, tao chết liền”!

Tất nhiên ngoài sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường và xã hội, trong chuyện này dường như còn cần có thêm một chút ý chí và nỗ lực tự thân của người học?

HỌC PHÍ CỨ TĂNG MÃI?

SV ĐHDL Hồng Bàng phản đối tăng học phí.

SV ĐHDL Hồng Bàng phản đối tăng học phí.

Việc hàng trăm sinh viên(SV) Trường ĐHDL Hồng Bàng tụ tập giăng biểu ngữ phản đối nhà trường tăng học phí hôm 18-3 như một hành động “phản vệ” khi đã vượt quá sức chịu đựng của họ.

Nếu ai theo dõi diễn tiến từ trường này đều nhận ra rằng học phí của ĐHDL Hồng Bàng nhiều năm qua cứ liên tục tăng và tăng ngất ngưởng: có ngành lên đến gần…14 triệu đồng/năm học! Thế nhưng, đã có không ít lời than phiền từ phía SV về điều kiện học tập, chất lượng giảng dạy ở trường này hoàn toàn không tương xứng với “đồng tiền bát gạo” mà gia đình họ đầu tư. Là một ĐH ngoài công lập đã được phép đào tạo sau ĐH, đào tạo cả 3 cấp (trung cấp chuyên nghiệp, CĐ và ĐH) với những…trên 60 chuyên ngành(CĐ và ĐH), nhưng 12 năm qua kể từ ngày thành lập đến nay hầu hết các cơ sở đào tạo của trường này vẫn đang trong tình trạng thuê mướn. Đó là chưa kể không phải không có những bất cập khác từ đội ngũ giảng viên, phòng thí nghiệm-thực hành, thư viện, cơ sở thực tập…

Trong điều kiện đó, học phí của trường lại như những nấc thang liên tục đi lên càng khiến người ta không khỏi liên tưởng đến một cơ sở kinh doanh chữ nghĩa chạy theo lợi nhuận quá mức, hơn là hướng đến xây dựng một “môi trường giáo dục đại học tốt nhất VN” mà trường này vẫn mong muốn.

Tất nhiên, “nỗi niềm học phí” không chỉ diễn ra ở Trường ĐHDL Hồng Bàng. Đã từng có trường hợp một học sinh lớp 3 bị nhà trường giữ lại ở phòng bảo vệ để gây áp lực với gia đình, vì học sinh này nhiều lần không đóng tiền học. Dù có lý giải với bất kỳ lý do nào, lối hành xử đó cũng hết sức phản sư phạm, nhất là đối với một đứa bé mới lớp 3.

Và, cũng từng có một trường mầm non trong ngày khai giảng đã cho kê bàn kiểm tra biên lai thu học phí ngay trước lối vào các lớp học. Học sinh nào đã đóng học phí và có biên lai thu tiền mới được bước qua ngưỡng cửa để đến với thế giới con chữ, vốn được xem là môi trường học thân thiện này. Cái bài học đầu đời đối với đứa trẻ lần đầu tiên đến trường sao mà xót xa và ngậm ngùi đến thế!

Đành rằng, nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường. Đành rằng chúng ta chủ trương xã hội hóa, nền giáo dục đã không còn bao cấp và người học đến trường phải trả phí. Nhưng, một đất nước đang phấn đấu đi theo đướng hướng xã hội chủ nghĩa hẳn phải thể hiện được tính ưu việt vốn có của mình.

Vâng, chúng ta có Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường(5-9) để làm gì? Chúng ta có Ngày khuyến học Việt Nam(2-10) để làm gì ? Và kế hoạch xây dựng một xã hội học tập, học tập suốt đời sẽ chỉ là những từ ngữ sáo rỗng một khi nhà trường vẫn còn hành xử với người học đằng thằng tiền bạc lạnh lùng!

HỌC VÌ ĐẠI NGHIỆP

Những đứa trẻ 6 tuổi nắm tay nhau vào lớp 1.

Những đứa trẻ 6 tuổi nắm tay nhau vào lớp 1.

Hôm nay(5-9), trên 22,5 triệu HSSV cả nước bước vào năm học mới 2000-2001-năm học đầu tiên của thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ 3. Đã nhiều năm qua, ngày này vẫn được Bộ GD-ĐT chọn là “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Có lẽ không nhiều những dân tộc mà nhận thức, ý chí và hành động về học vấn lại thống nhất đến tuyệt đối như thế: toàn dân !

Nhân bất học bất tri lý-nhận thức ấy từ ngàn xưa đã thấm đẫm thành truyền thống và bản sắc văn hoá trải bao thế hệ người Việt. Tiểu sử các danh nhân, văn hào xưa vốn không thiếu những tấm gương bần hàn vẫn nêu cao chí học thành tài: Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Lê Qúi Đôn…

Truyền thống tiếp nối truyền thống. Trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh cơm không đủ no áo không đủ mặc, nhưng cả dân tộc vẫn gan góc học-học trong lòng đất, bên cạnh bom rơi, chân đất mũ rơm vẫn bất khuất đến trường ngay dưới làn tên mũi đạn của quân thù…

Học không chỉ là truyền thống, đạo lý…mà còn như một cứu cánh của cuộc đời. Cả dải đất miền Trung vẫn xem học như một nghề-nghề giải thoát thân phận, giải thoát nghèo đói.

Học được trân trọng khắc ghi vào đại tự trên các bàn thờ gia tiên của nhiều gia đình, dòng tộc ở đất Bắc để “tử tôn phụng tự bảo trường tồn” mà hình thành nên những đất học lẫm liệt. Ý thức về học vấn còn được quán triệt tuyệt đối đến mức như một Hải Hậu(Nam Định) có 35 đơn vị hành chính xã và tương đương thì cũng có chừng ấy hội đồng giáo dục và quỹ khuyến học !

“Được đi học là hạnh phúc !”-đây đó ở cổng trường, trên các bức tường lớp học, học còn được thể hiện như một khát vọng bất diệt. Chính vì thế mà cô bé bán khoai vẫn thi đỗ đến ba trường đại học; cậu trai mồ côi lầm lũi hái cũi nuôi thân, cháo bẹ rau măng vẫn ngời ngời khá giỏi; thậm chí số phận có nghiệt ngã đến nạng chống xe lăn cũng vẫn bền bỉ đến trường…

Và tài trí Việt Nam hàng năm vẫn luôn vẻ vang trên đấu trường quốc tế với huy chương vàng này giải nhất nọ, mặc dù GDP bình quân đầu người chỉ bằng 1/12 bình quân của thế giới và còn xếp ở thứ 132/174 nước (báo cáo về phát triển con người năm 2000 của Liên Hiệp Quốc).

Nhưng ý nghĩa của học vấn trong bối cảnh mới dường như không chỉ dừng lại ở giới hạn mục đích cá nhân, mục đích gia đình. “Học vì nghiệp lớn của dân tộc”-tham dự buổi lễ khai giảng tại Trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh năm học trước, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã gửi gắm kỳ vọng lớn lao này đến hàng triệu HS cả nước.

Tất nhiên trong một thời đại mà nhân loại đang hướng mạnh từ nền kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức và nguồn lực con người có tri thức chiếm giữ vai trò trung tâm của sự phát triển, sứ mạng cao cả ấy vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức. Nhiệm vụ công nghiệp hoá-hiện đại hoá ở những năm đầu thế kỷ 21 giờ đây lại quyện chặt với một nhiệm vụ khác. Học để hoàn thiện nhân cách của mỗi người. Học để nhân lên sức mạnh trí tuệ vô cùng của cả một dân tộc. Học vì một chỗ đứng xứng đáng Việt Nam trong cuộc đua tranh tạo dựng toàn cầu.